Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên ở Việt Nam đi vào hoạt động

19/12/2020 18:30

Việc đưa sân bay cấp cứu bằng trực thăng vào khai thác sau khi đã được cấp phép góp phần hướng Bệnh viện Quân y 175 thành Trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ, đường thủy, đường không cho phía Nam.

Sân bay trực thăng của Bệnh viện Quân y 175 tại TP Hồ Chí Minh

Sáng 19.12, Bệnh viện Quân y 175 chính thức ra mắt đưa vào sử dụng sân bay cấp cứu bằng trực thăng trên nóc tòa nhà Viện chấn thương chỉnh hình của bệnh viện tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Việc đưa sân bay cấp cứu bằng trực thăng vào khai thác sau khi đã được cấp phép, nghiệm thu, đủ điều kiện, tiêu chuẩn góp phần hướng Bệnh viện Quân y 175 thành Trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ, đường thủy, đường không cho khu vực phía Nam.

Theo đại diện Bệnh viện Quân y 175, sân bay cấp cứu trực thăng đi vào hoạt động ngay tại bệnh viện sẽ khắc phục tình trạng bệnh nhân và nhân viên y tế phải di chuyển nhiều lần so với trước đây; đồng thời tăng khả năng cấp cứu thành công, thuận tiện cho việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện.

Ngoài phục vụ vận chuyển cấp cứu cho chiến sỹ và người dân gặp tai nạn ở Trường Sa, sân bay cấp cứu trực thăng của Bệnh viện Quân y 175 sẽ là điểm phát triển cấp cứu nhanh, giải quyết tất cả tình huống, sự cố y tế đảm bảo phục vụ tốt sức khỏe cán bộ, nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Hướng đến mục tiêu bệnh viện trở thành trung tâm cấp cứu đa năng, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho rằng việc đưa vào sử dụng sân bay trực thăng tại đây có thể khẳng định là giải pháp tối ưu, nhất là cho cứu hộ, cứu nạn từ biển đảo, đồng thời hỗ trợ các tỉnh thành khu vực phía Nam khi có những sự cố cấp cứu khẩn cấp.

"Trước đây, việc chuyển bệnh nhân từ biển đảo về đất liền, đến bệnh viện trung bình mất khoảng 3 giờ 30 phút. Nay với sây bay ngay trên nóc bệnh viện, thời gian sẽ được giảm khoảng 30 phút, giúp bác sỹ tận dụng được thời gian vàng trong cứu chữa người bệnh," Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Dự án Viện Chấn thương chỉnh hình quy mô 500 giường, theo mô hình Viện trong Bệnh viện và có sân bay, đỗ trực thăng vào cuối năm 2019 là mong muốn, quan tâm đầu tư của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Chính phủ nhằm bảo đảm kịp thời cho công tác cấp cứu, điều trị đối với các ca bệnh nặng, khó, phức tạp, cần triển khai nhanh.

Đồng thời, điều này thể hiện quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, chiến sỹ và đội ngũ y bác sỹ bệnh viện; tạo điều kiện phát huy mạnh mẽ khả năng tác chiến, giải quyết các tình huống, sự cố y tế cần thiết, nâng cao chất lượng công tác cấp cứu đường không của bệnh viện.

Các y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh đoàn 18 thực hiện cấp cứu bệnh nhân từ hướng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và từ huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh đến sân bay bệnh viện, đỗ an toàn và cấp cứu kịp thời

Trân trọng trước những nỗ lực của Bệnh viện Quây y 175 đưa vào hoạt động dự án Viện Chấn thương chỉnh hình, sân bay cấp cứu trực thăng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết từ lâu ngành y tế thành phố xem cấp cứu ngoại bệnh viện là nội dung quan trọng, song hành cùng việc nâng cao năng lực hoạt động của các bệnh viện, nâng cao năng lực y tế cơ sở, chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoại bệnh viện hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm y tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

“Do đó, việc ra mắt sân bay cấp cứu trực thăng của Bệnh viện Quân y 175 không chỉ thỏa ước mơ của nhiều người dân trong và ngoài thành phố mà còn khẳng định việc cấp cứu bằng đường hàng không đã nằm trong tầm tay của Ngành y tế thành phố,” ông Tăng Chí Thượng khẳng định.

Trong thời gian tới, ông Tăng Chí Thượng kỳ vọng thành phố sẽ có thêm nhiều sân bay trực thăng được xây dựng tại các bệnh viện như: Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố…Qua đó, góp phần mở ra hướng cấp cứu mới, giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn; đặc biệt là những bệnh lý tai nạn đa chấn thương (cần khẩn cấp đưa về các bệnh viện tuyến cuối để thực hiện phẫu thuật), bệnh lý đột quỵ (chỉ có 4 giờ vàng) ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Là một trong những phi công có nhiều kinh nghiệm, Trung tá Phạm Ngọc Hoài, Phó Giám đốc Công ty trực thăng miền Nam chia sẻ: "Khi thực hiện những chuyến bay quân sự, đặc biệt là trong các trường hợp trợ giúp đột xuất cấp cứu người ở xa thì đội bay phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng và phải đảm bảo thời gian ngắn nhất. Với tôi, mỗi chuyến bay là một cảm xúc khác nhau, tuy nhiên vui sướng nhất là khi đưa bệnh nhân về đến Bệnh viện Quân y 175, cấp cứu thành công, đảm bảo an toàn lực lượng và phương tiện cứu hộ.”

Tại lễ ra mắt sân bay cấp cứu trực thăng Bệnh viện Quân y 175, các lực lượng phối hợp cùng Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh đoàn 18 và các y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện 4 chuyến bay đưa bệnh nhân từ hướng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và từ huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh đến sân bay bệnh viên, đỗ an toàn và cấp cứu kịp thời.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên ở Việt Nam đi vào hoạt động