Giới chuyên gia nhận định sạn bẩn ở các chương trình trên mạng hiện nay trước hết thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất. Thực trạng cũng cho thấy “lỗ hổng” trong khâu quản lý.
Thay vì là “đứa con” của truyền hình, hình thành từ truyền hình và sống nhờ quảng cáo, gameshow trong cuộc chiến về lượt xem hiện nay, đã chọn cách vừa phát truyền hình vừa đăng tải trên mạng.
Thậm chí, bản trên mạng của nhà sản xuất còn có thời lượng dài hơn và chứa những nội dung mà bản trên sóng truyền hình không có.
Một thực trạng khác là nhiều gameshow về tình yêu, giới tính hiện nay được nhiều đơn vị sản xuất thực hiện nhưng chỉ đăng tải trên YouTube thay vì kết hợp với nhà đài để phát sóng truyền hình. Và thực tế, nhiều nội dung, hình ảnh bị dư luận phản ứng, cho là “sạn bẩn” lại đến từ những game show chỉ phát trên mạng.
Cùng với sự bùng nổ của web drama (phim trực tuyến) giang hồ, bạo lực trước đó, việc gameshow Việt trên mạng ngày càng nhiều sạn cũng nối dài thắc mắc: Trách nhiệm thuộc về ai?
Chương trình mới đây của Giải mã kỳ tài bản đăng trên mạng gây tranh cãi |
“Trách nhiệm trước hết thuộc về nhà sản xuất”
Sự bùng nổ của gameshow, chương trình truyền hình thực tế trong khoảng 10 năm nay đã là góp phần thay đổi cục diện truyền hình. Nhiều chương trình của các nhà sản xuất chuyên nghiệp được khán giả đặc biệt yêu thích trên sóng giờ vàng cuối tuần.
Không chỉ là hình thức giải trí đơn thuần, nhiều format tìm kiếm tài năng âm nhạc, hài kịch đã góp phần làm sinh động môi trường nghệ thuật, là bệ phóng cho người trẻ. Trong khi, những format hẹn hò được coi là cầu nối tình yêu, "ông mai bà mối".
Khi đăng tải trên mạng, nhiều gameshow cũng được quảng bá với thông điệp tương tự. Song, cách làm đôi khi lại quá khác biệt với những lời giới thiệu.
Khoảng 2 năm trở lại đây, hàng loạt chương trình trên mạng bị phản ứng vì có những hình ảnh, động tác mang tính chất gợi dục, phản cảm. Trong khi, một vài game show khác lại đăng tải những lời nói quá đà, thậm chí chợ búa, dung tục.
Những hình ảnh như nhân vật nam dùng răng cởi áo cho nhân vật nữ, thử thách ăn thức ăn đặt trên cơ thể; vợ chồng chia sẻ chuyện giường chiếu, các tư thế khi yêu, làm “chuyện ấy” bên con nhỏ, hành trình từ bố con nuôi trở thành vợ chồng, thậm chí cả những chuyện tế nhị hơn nữa… đã và đang tồn tại ở game show trên mạng.
Trong một talk show mới đây, hai nhân vật như cãi cọ nhau trên sóng, bên dùng từ “ngu” để nói đối phương, bên ám chỉ người kia "hạ đẳng".
Và khi ồn ào xảy ra, số đông có xu hướng lên án nhân vật, người trong cuộc. Song ở góc độ chuyên môn, giới chuyên gia đánh giá trách nhiệm trước hết thuộc nhà sản xuất.
Thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo (Trường Đại học Hutech) nói với phóng viên rằng khi chương trình quyết định lên sóng hoặc đăng tải, nhà sản xuất các gameshow phải chắt lọc thông tin. Không thể đổ lỗi nhân vật tự nguyện nói hoặc tự nguyện làm những thử thách.
Đây cũng là quan điểm trước đó của tiến sĩ báo chí Đinh Thị Xuân Hòa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Nữ tiến sĩ cho rằng đó chính là “lỗ hổng” khi một số gameshow có bản truyền hình khác trên mạng, hoặc đăng trên mạng. Đồng nghĩa, những gameshow này đã bỏ qua vai trò biên tập quan trọng, dễ dẫn đến những tranh cãi.
Nhiều cảnh trong show Date & Kiss bị phản ứng. Show này hiện đã dừng sản xuất |
Nhà mạng và cơ quan quản lý có trách nhiệm như thế nào?
Không chỉ loại hình game show hay talk show, nhiều sản phẩm phim ảnh, phim ca nhạc khác trên mạng cũng từng vướng ồn ào và nhận chỉ trích từ luận. Ngay cả với những sản phẩm được sản xuất từ những công ty giải trí uy tín, chuyên nghiệp hoặc những nghệ sĩ có tiếng, được nhiều khán giả yêu thích.
Cách đây không lâu, sự bùng nổ của web drama (phim trực tuyến) về chủ đề giang hồ, bạo lực trên kênh riêng của các nghệ sĩ Việt cũng từng nhận những phản ứng của báo chí và dư luận.
Thời điểm đó, câu hỏi về trách nhiệm thuộc về ai cũng được đặt ra. Bởi lẽ, nghịch lý nằm ở chỗ game show phát trên truyền hình phải được nhà đài biên tập, kiểm duyệt, phim ảnh ra rạp có hội đồng duyệt phim, nhà phát hành chịu trách nhiệm.
Nhưng, game show đăng trên mạng, web drama trên mạng lại gần như không chịu bất cứ sự kiểm soát nào về nội dung trước khi đăng tải.
Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ ngành truyền thông Vũ Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao Việt Nam) cho biết hiện tại, mặc dù đã có một số nghị định quy định về những nội dụng được sản xuất và quảng bá trên Internet như Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, tuy nhiên, việc quản lý này vẫn chưa được thấu đáo.
Theo tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, YouTube chỉ quản lý được những vấn đề có bản quyền chứ chưa thực sự quản lý được nhiều nội dung khác. Có thể nói một phần nội dung trên các mạng xã hội chưa thực sự "sạch".
“Để giải quyết được vấn đề này thì cần phải có sự chung tay của các cơ quan nhà nước, phải có những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để quản lý những vấn đề này và phải được thực hiện nghiêm túc từ các cấp ngành. Thêm vào đó, cần phải có cách thức giáo dục trẻ em bằng những biện pháp cụ thể để chúng nhận thức được những vấn đề tác hại của thông tin ‘bẩn’ trong môi trường số ngày nay”, tiến sĩ truyền thông nhấn mạnh.
Trước khi thoái trào, web drama giang hồ, bạo lực từng tràn ngập sóng |
Trong khi đó, thạc sĩ Chế Dạ Thảo cho rằng thực trạng này đặt ra vấn đề của quản lý văn hóa, kiểm soát chương trình dù là phát trên truyền hình hay trên mạng.
“Một số game show hiện nay đang lỏng lẻo trong biên tập, kiểm duyệt. Như chương trình bị phản ứng mới đây vì hai nhân vật như cãi cọ, tôi không phán xét người trong cuộc nhưng để tranh cãi qua lại và có lời nói không đẹp, trách nhiệm nằm trong kiểm duyệt? Khi chứa đựng những thông điệp, nội dung không đẹp, rất dễ tạo ra tổn thương, cả với người trong cuộc, lẫn người xem”, thạc sĩ giáo dục, đồng thời là một chuyên gia tâm lý nêu quan điểm.
Thạc sĩ Chế Dạ Thảo cũng nhấn mạnh: “Các đơn vị quản lý truyền thông, văn hóa phải có tiếng nói mạnh mẽ trong khâu kiểm duyệt. Nhưng quan trọng không phải là tạo ra những khắt khe kiểm duyệt mà phải là rõ ràng trong định hướng từ ban đầu. Không phải để đến khi có sự cố mới phạt hay cấm sóng. Muốn xử lý phải có quy định rõ ràng ngay từ ban đầu, từ gốc”.
Theo Zing