Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã khẳng định như vậy trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mới đây.
Theo thông tin được Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên vừa phát đi, chủ trì buổi tiếp tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam là bà Nguyễn Thanh Hải, bí thư Tỉnh ủy và nhiều lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thái Nguyên.
"Samsung liên tục mở rộng đầu tư"
Thông tin về tình hình hoạt động của Samsung, ông Choi Joo Ho khẳng định trong suốt thời gian gần 10 năm hoạt động tại tỉnh, Samsung luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành của các cấp, ngành và người dân, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Nhờ vậy dự án đầu tư của Samsung đã liên tục mở rộng. Ban đầu là Công ty Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT) được khởi công tháng 3/2013 với số vốn 2 tỉ USD, chỉ sau một năm, dự án đã tăng thêm 3 tỉ USD. Liên tục sau đó Samsung thực hiện các cam kết tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất.
Gần đây nhất Samsung đã tăng vốn thêm hơn 1,18 triệu USD vào Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam. Đến nay riêng tại Thái Nguyên, tổng mức đầu tư của tập đoàn đã lên hơn 7,5 tỉ USD.
Lãnh đạo Samsung cam kết tiếp tục duy trì sản xuất ổn định hoặc tăng trưởng cao hơn so với năm 2022. Nghiên cứu tiếp tục đầu tư sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào tháng 5 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11.2023. Năm 2023, Samsung tại Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng 5%.
Với các thông tin liên quan đến đầu tư của Samsung và việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ, ông Choi Joo Ho khẳng định là không đúng sự thật.
“Những sản phẩm được sản xuất ở Ấn Độ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và một phần nhỏ xuất khẩu sang các quốc gia châu Phi, còn tại Việt Nam thì xuất khẩu sang 128 quốc gia trên thế giới. Như vậy sản lượng của Nhà máy Samsung tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sản lượng ở Ấn Độ”.
Đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, tổng giám đốc Samsung cho hay để tránh ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của Samsung Việt Nam, tập đoàn mong muốn Chính phủ Việt Nam nhanh chóng xem xét và có giải pháp về nội dung này.
Duy trì kim ngạch xuất khẩu ổn định
Nguồn tin của PV cũng khẳng định thông tin về việc Samsung chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ là tin đồn “vô căn cứ”. Nguồn tin này chứng minh trong suốt các năm qua Samsung duy trì kim ngạch xuất khẩu ổn định tại Việt Nam nhờ việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất.
Trong đó năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỉ USD và năm 2022 đạt 65 tỉ USD, giảm 500 triệu USD trong bối cảnh ảnh hưởng của cầu tiêu dùng thắt chặt và lạm phát tăng cao sau đại dịch COVID-19. “Việc duy trì hoạt động sản xuất ổn định, tức là không có sự dịch chuyển mới đảm bảo được việc duy trì mức doanh thu xuất khẩu trên”, nguồn tin này cho hay.
Thêm vào đó việc sản xuất sản phẩm điện tử của Samsung được phân bổ ra toàn cầu. Trong đó, riêng dòng điện thoại tại Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất, với khoảng 50 - 60% tổng sản lượng điện thoại của toàn cầu.
Việc sản xuất các dòng sản phẩm được phân bổ theo chuỗi dây chuyền, chuỗi cung ứng ở khắp các nước và đảm bảo nguyên tắc sản xuất theo đơn đặt hàng có từ trước. Do đó, không đơn giản để chuyển dịch dây chuyền sản xuất lớn cho các dòng sản xuất nếu không có kế hoạch từ trước.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao những đóng góp của Samsung tới phát triển công nghiệp của tỉnh. Việc đầu tư và mở rộng sản xuất đã ảnh hưởng tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động, đưa chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Với các đề nghị của đại diện Samsung, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cam kết sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét để duy trì và đẩy mạnh vai trò “cứ điểm sản xuất toàn cầu” của Samsung tại Việt Nam. |
Theo Tuổi trẻ