Sau khi Báo điện tử Hải Dương đăng loạt bài về những sai phạm nghiêm trọng trong thực hiện dự án Khu dân cư Đá mài, nhiều "cò đất" và người mua rất lo lắng.
Sáng 5.5, tại một quán cà phê trên đường Thanh Niên (TP Hải Dương), một nhóm từ 3-4 "cò đất" truyền tay nhau chiếc điện thoại di động đọc nội dung các bài viết đăng trên Báo điện tử Hải Dương về hàng loạt sai phạm tại dự án Khu dân cư Đá mài.
Chỉ từ tấm bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500, Công ty Thái Hà đã bán đất cho người dân
Trong khi các "cò đất" lo lắng nếu dự án không thành công thì họ phải trả lại tiền chênh lệch giá cho người mua đất. Một "cò đất" tên T. có văn phòng đại diện trên đường Trường Chinh (TP Hải Dương) cho biết văn phòng có bán một số lô đất cho người dân cách đây hơn 1 năm.
Đến thời điểm này, bản thân họ cũng không rõ các lô đất đó được mua đi bán lại bao nhiêu lần, chủ nhân thật sự là ai. Các "cò đất" cũng đang chịu nhiều sức ép khi người mua liên tục gọi điện hỏi tình hình dự án sau khi báo chí nêu. Họ mong muốn Công ty Thái Hà trúng đấu giá để mọi việc diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên, người chịu áp lực nhất ở thời điểm này là những chủ thực sự của những "lô đất trên giấy". Anh Q. đang công tác trong một ngân hàng trên địa bàn TP Hải Dương cho biết giữa năm 2017, vợ chồng anh mua một lô đất, diện tích gần 77m2. Thửa đất quay hướng tây, đấu lưng với lô đất quay ra mặt đường Điện Biên Phủ.
Sau khi thỏa thuận với người bán giá 25 triệu đồng/m2, vợ chồng anh Q. đến Công ty Thái Hà làm hợp đồng góp vốn, nộp cho công ty 30% giá trị lô đất với giá 19 triệu đồng/m2, số tiền gần 440 triệu đồng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá của công ty với giá thỏa thuận với người bán lên đến 6 triệu đồng/m2 nên số tiền chênh lệch hơn 450 triệu đồng.
Anh Q. cho biết trước khi mua, vợ chồng anh đã hỏi rất kỹ tình trạng dự án. Sau khi được người bán và Công ty Thái Hà cam kết dự án hoàn toàn thực hiện đúng pháp luật, vợ chồng anh Q. còn nhờ người hỏi lãnh đạo Công ty CP Đá mài Hải Dương và nhận được câu trả lời tương tự. "Khi tất cả các bên đều cam kết dự án thực hiện đúng quy định nên vợ chồng tôi bỏ tiền ra mua để cho gần gia đình bố mẹ hai bên", anh Q. nói.
Thấy giá cả hợp lý lại gần nhà, anh Q. còn giới thiệu cho một người bà con mua một lô đất bám mặt đường Điện Biên Phủ với giá 60 triệu đồng/m2. Anh Q. cho biết lô đất này có mức chênh lệch giữa giá bán và giá gốc lên đến gần 20 triệu đồng/m2, do đó tiền chênh lệch hơn 1 tỷ đồng.
Công ty CP Đá mài vẫn hoạt động nhưng chỗ đất này đều đã được bán cho người dân
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các giao dịch mua bán đất đều được thực hiện tại các văn phòng bất động sản. Người có đất cũng như người mua đều đến văn phòng nhờ "cò" mua bán hộ, chi phí 100.000 đồng/m2 do người bán trả. Sau mỗi lần mua đi bán lại, chủ cũ và chủ mới được "cò đất" đứng ra làm trung gian ký giấy cam kết. Nội dung giấy cam kết có ghi giá gốc của Công ty Thái Hà, giá bán thực tế và tiền chênh lệch giữa giá bán và giá gốc. Trong giấy cam kết còn có dòng chữ "trong trường hợp bất khả kháng nếu dự án không thành công thì bên bán phải hoàn trả lại bên mua số tiền chênh lệch".
Để trấn an người mua, một "cò đất" cho biết nếu dự án không thành, Công ty Thái Hà phải trả tiền gốc, người bán phải trả tiền chênh lệch cho người mua. Khi được hỏi nếu không tìm được người bán thì người mua sẽ đòi ai, "cò đất" này cho biết tiền chênh lệch là thỏa thuận giữa người mua và người bán trực tiếp. Nếu các lô đất được mua đi bán lại qua nhiều chủ thì phải truy ngược từ người đang sử dụng qua từng giao dịch theo nguyên tắc các bên mua bán trực tiếp phải thanh toán tiền chênh lệch cho nhau. "Trường hợp không tìm được người bán trực tiếp thì người mua phải chịu mất số tiền chênh này", một "cò đất" nói.
Theo luật sư Chu Thanh Nhân, Văn phòng Luật sư Chu Văn Chiến ở TP Hải Dương, về vấn đề pháp lý, khi có tài sản hình thành trong tương lai (doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch và cho phép thực hiện dự án) thì mới được huy động vốn để thực hiện dự án dưới hình thức hợp đồng góp vốn. Đến thời điểm tài sản là quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp thì lúc đó mới được chuyển sang dạng hợp đồng mua bán với người mua.
Trong trường hợp này, Công ty Thái Hà chưa phải chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đá mài thì không được huy động vốn của người dân vào dự án đó. Hợp đồng góp vốn giữa Công ty Thái Hà với người dân để thực hiện dự án Khu dân cư Đá mài không có giá trị về mặt pháp lý. Theo luật sư Nhân, trong trường hợp này có dấu hiệu của tội phạm như vụ án "Châu Thị Thu Nga" vừa qua.
Báo Hải Dương tiếp tục thông tin về vụ việc này.
SỸ THẮNG - XUÂN KIÊN