Sai lầm phổ biến khi dùng kháng sinh

04/09/2013 09:32

Không dùng hết liệu trình điều trị, tự ý dùng thuốc, tự ý đổi thuốc kháng sinh vì “uống mãi” chưa đỡ… là những sai lầm vô cùng nguy hiểm.


Dùng không hết liệu trình

Bác sĩ kê kháng sinh 5 ngày, có trường hợp là 7 ngày. Thế nhưng không ít bà mẹ, sau khi con dùng được 3 ngày, hết sốt, hết triệu chứng thì dừng lại luôn, không uống tiếp kẻo “hại người”. Điều này là vô cùng nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây kháng kháng sinh. Nếu điều trị không thích hợp, thất bại khiến bệnh nhân có thể nhiễm tái phát, có thể gây kháng thuốc.

Tùy tiện dùng thuốc

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương thì có tới 44% số bà mẹ tự mua thuốc cho con uống mà không cần kê đơn của bác sĩ. Việc tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định là rất nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Việc tự chữa cho con, chữa theo đơn của bé khác… khiến nhiều trẻ bị biến chứng nặng là viêm phổi, viêm tiểu phế quản do vi rút rất nặng. Những bé này thời gian điều trị sẽ lâu hơn, tốn kém hơn do phải dùng các loại thuốc đắt tiền hơn.

Hiện nay, tình trạng tự làm bác sĩ của các bà mẹ ngày càng phổ biến. Họ lý giải, đưa con đi khám, thấy bác sĩ nghe nghe, nhòm vào miệng con thế là xong, kê đơn cũng chẳng có gì đặc biệt, sốt vi rút thì không dùng kháng sinh, mà nhiễm khuẩn thì vẫn kê các loại kháng sinh thông thường nên lần sau, họ tự biến mình thành bác sĩ.

Trong khi đó, dùng kháng sinh gì, liều bao nhiêu, cho thời gian bao lâu… là cả một nghệ thuật, đòi hỏi trình độ của bác sĩ. Không học, cứ hồn nhiên cho con dùng thuốc tưởng là giỏi, là tiết kiệm, không mất thời gian, không phải đưa con đến viện là một sai lầm.

Tùy tiện đổi thuốc

Cũng chính vì thói quen tùy tiện dùng thuốc, tự mua thuốc uống mà không ít người đang uống kháng sinh A được 2 - 3 ngày không đỡ liền đi mua kháng sinh khác về uống.

Với thuốc kháng sinh, không chỉ cứ thích là uống. Bởi khi đi vào cơ thể, kháng sinh tồn tại trong huyết thanh, đi đến vị trí nhiễm khuẩn như vào phổi, vào não… Chính nồng độ kháng sinh tại vị trí nhiễm khuẩn này sẽ cho chúng ta hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, kháng sinh không chỉ đi như vậy, nó còn vào các cơ quan khác. Như chỉ viêm phổi, kháng sinh không chỉ vào phổi mà vẫn đi vào các cơ quan khác như thận, gan… và gây độc.

Vì thế, mục đích là làm thế nào để kháng sinh vào cơ quan đích nhiều hơn, vào các cơ quan khác ít hơn. Nghiên cứu vấn đề này giúp chúng ta chọn liều lượng thích hợp, đặc biệt là chế độ liều, để trả lời khi nào dùng liều cao, khi nào rút ngắn khoảng liều, khi nào đổi kháng sinh khác, khi nào phối hợp kháng sinh. Và để làm được điều này, chỉ có thể là bác sĩ để ra chỉ định hợp lý. Vì thế, người dân không nên tùy tiện dùng thuốc.

(Theo Sức khỏe và đời sống)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sai lầm phổ biến khi dùng kháng sinh