Với những người lính của Sư đoàn 571 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, được tiến vào giải phóng Sài Gòn là nhiệm vụ vinh dự nhất trong đời họ.
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón quân giải phóng. Ảnh tư liệu
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những người lính lái xe Trường Sơn năm xưa vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày vượt đèo, lội suối chở bộ đội và vũ khí, nhu yếu phẩm tới các chiến trường.
Chở bộ đội vào dinh Độc Lập
Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm này, người lính già Đỗ Hồng Chấp (73 tuổi) ở khu dân cư Thạch Thủy, phường Phả Lại (TP Chí Linh), Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh TP Chí Linh lại rưng rưng xúc động. Năm 1972, ông Chấp là Chính trị viên Đại đội 15, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571 nhận nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa và chiến sĩ của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 hành quân dọc đường 1 vào giải phóng Huế - Đà Nẵng và Biên Hòa.
Rạng sáng 30.4, xe của ông Chấp chở các chiến sĩ Trung đoàn 66 từ Xuân Lộc tiến vào Sài Gòn. Thời điểm đó tại cầu Tân Cảng (cầu Sài Gòn ngày nay) diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa lực lượng của ta với địch. Đến hơn 10 giờ cùng ngày, xe của ông Chấp tiến vào cầu Tân Cảng. Trên xa lộ Sài Gòn tất cả các chốt phòng thủ của địch đều đã bị quân ta tiêu diệt. Xe của ông Chấp tiến thẳng qua cầu chừng 2-3 km thì cả xe đều ngạc nhiên bởi người dân đã đứng kín dọc hai bên đường, tay cầm cờ hoa vẫy chào đoàn quân giải phóng. Cả năm chỉ ở trong rừng, đêm mới ra ngoài nên khi nhìn thấy hình ảnh đó, ai cũng phấn khích, cảm nhận rõ thắng lợi đã cận kề. Suốt dọc đường đến dinh Độc Lập, tới đâu đoàn quân giải phóng cũng được người dân vẫy chào.
Khi xe của ông Chấp vào tới khu vực cổng dinh Độc Lập, xe tăng 390 đã húc đổ cổng. Xe của các lực lượng khác cũng nhanh chóng tràn vào. Ngay khi các chiến sĩ ào xuống xe thực hiện nhiệm vụ, ông Chấp cũng hòa vào đội hình của Trung đoàn 66, theo chân đại úy Phạm Xuân Thệ tiến vào dinh bắt Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các ngay tại phòng họp. Trong khoảng thời gian chiếm dinh Độc Lập, quân giải phóng không gặp bất kỳ sự chống cự, không một tiếng súng từ phía địch dù chúng vẫn còn bên trong dinh.
Vui sướng là cảm xúc dâng trào của người lính trẻ Đỗ Hồng Chấp khi ấy. Chứng kiến thời khắc lịch sử lúc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, lá cờ của ta tung bay ngay từ giây phút đầu tiên Sài Gòn được giải phóng, ông Chấp thấy mình may mắn và rưng rưng khi nghĩ tới biết bao đồng đội đã ngã xuống.
Tắc cầu Thị Nghè, nhận tin chiến thắng ở Biên Hòa
Cựu chiến binh Đồng Văn Sơn ở khu dân cư Khê Khẩu, phường Văn Đức (TP Chí Linh) lại biết tin chiến thắng qua chiếc đài nhỏ ngay ở cửa ngõ Sài Gòn. Đó là giây phút hạnh phúc vô bờ, tới giờ ông vẫn không quên.
Ông Sơn từng là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 964, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571 làm nhiệm vụ vận tải hàng hóa, đạn dược tại khu vực thuộc đường 9 và đường 22. Tháng 4.1975, chiến sĩ trẻ Đồng Văn Sơn nhận lệnh chạy xe tăng cường cho Lữ đoàn Xe tăng 203 (Quân đoàn 2) phục vụ chiến dịch. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi Lữ đoàn xe tăng là một trong những đơn vị chủ lực tiến công giải phóng Sài Gòn. "Không phải lính lái xe nào cũng được thủ trưởng cử đi tăng cường cho đơn vị bạn, phải là người tiêu biểu, xe tốt trong đơn vị mới được lựa chọn. Tôi là một trong 15 người được điều đi phục vụ Lữ đoàn 203", ông Sơn nhớ lại.
Xe của ông Sơn có nhiệm vụ chở 1 y sĩ, một số nhu yếu phẩm phục vụ chiến đấu và 1 máy bộ đàm 15W, đi ngay sau xe tăng của đơn vị, dọc theo tuyến đường 1 tiến thẳng vào Sài Gòn. Trưa 30.4.1975, đoàn xe của ông Sơn mới tới đầu cầu Thị Nghè - cửa ngõ Sài Gòn. Nhưng lúc này xe tăng, xe bọc thép đổ về quá nhiều gây ách tắc cầu nên cả đoàn không thể đi tiếp mà buộc phải quay lại Biên Hòa. Trong lúc nghỉ trưa, ông Sơn cùng một vài anh em mở đài nghe thông tin về trận chiến. Đúng lúc đó, trên chiếc đài nhỏ phát tin thông báo quân ta đã giành chiến thắng, chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện...
"Toàn thắng đã về ta, đất nước thống nhất và mình sẽ được sum họp với gia đình là những suy nghĩ bao trùm trong đầu những người lính trẻ như chúng tôi thời bấy giờ", ông Sơn xúc động kể. Trưa 1.5, cả đơn vị của ông Sơn vào Sài Gòn, tới thẳng dinh Độc Lập. "Thấy bộ đội ta, dân ra đường đón, cờ hoa rực rỡ, người dân còn tặng quà cho bộ đội, tình cảm chân thành, đáng quý", ông Sơn nhớ lại.
Với những người lính, tin vui chiến thắng là niềm mong mỏi của họ, bởi không chỉ họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đó còn là niềm vui khi non sông thu về một mối, họ được trở về quê hương sum họp với gia đình và người thân.
THANH HOA