Sài Gòn hôm ấy

30/04/2015 13:09

Sau bao vất vả, đổ máu, hy sinh, "cây số cuối cùng"- đích đến Sài Gòn bất ngờ hiện ra trước mắt ông và đồng đội trong ngợp trời cờ hoa...


So với biết bao đồng đội đã hy sinh, đổ xương máu cho hòa bình thống nhất đất nước, cựu chiến binh Lương Đình Chốt ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) khiêm tốn không dám nhận mình có đóng góp gì lớn. Ông chỉ tâm niệm rằng mình là người may mắn vì đã được sống và chứng kiến những giây phút đầu tiên của Sài Gòn ngày thống nhất.




Trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Lương Đình Chốt tích cực tham gia các công tác ở địa phương


Ngày hạnh phúc

Sau bao vất vả, đổ máu, hy sinh, "cây số cuối cùng"- đích đến Sài Gòn bất ngờ hiện ra trước mắt ông và đồng đội trong ngợp trời cờ hoa, trong tiếng reo vang chào đón của hàng vạn đồng bào miền Nam ruột thịt. Vì vậy, ông gọi ngày 30-4-1975 là "Ngày hạnh phúc" vì đó là lần đầu tiên ông cảm nhận rõ thế nào là hạnh phúc.

Sau 3 đêm liền thức trắng trú quân trong rừng cao su, hì hụi cắt, tự tay khâu những lá cờ giải phóng, cuối cùng đơn vị ông (đơn vị pháo phòng không 673, Sư đoàn Phòng không, Quân đoàn 2) đã hòa cùng các đơn vị khác tiến vào giải phóng Sài Gòn. "Đến Sài Gòn, bao nhiêu mệt nhọc, gian khổ đều tan biến". Lúc xe qua cầu chữ Y để tiến vào thành phố, ông nghẹn lại khi thấy từng đoàn hàng binh ngụy cúi mặt thất thểu đi ngược trở ra. Không khí ấy ngược hẳn với khí thế đang dâng trào của quân và dân ta trên đường tiến vào thành phố. Không còn tiếng đạn nổ, không còn tiếng động cơ, chỉ có tiếng hò reo vang dậy và không hiểu từ đâu chuyển đến vô cùng nhiều cờ giải phóng và ảnh Bác. Lúc này, ông mới thực sự tin rằng Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Nhớ lại, ông Chốt bảo vẫn như thấy mình đang trôi đi trong rộn ràng niềm vui chung của cả đất nước.

Là lực lượng hỗ trợ các đơn vị trực tiếp chiến đấu, đơn vị ông Chốt vào Sài Gòn sau khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng khoảng 1 giờ. Cùng với các đơn vị khác, xe của đơn vị ông Chốt chỉ nhích được từng chút chậm rãi trong tiếng reo hò, sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân. Dường như tất cả nhân dân Sài Gòn đều đổ ra đường. Những người lính quân phục còn

Dường như tất cả nhân dân Sài Gòn đều đổ ra đường. Những người lính quân phục còn phủ bụi đường nhoài ra khỏi xe vẫy chào nhân dân.

phủ bụi đường nhoài ra khỏi xe vẫy chào nhân dân. Những lá cờ giải phóng nhỏ bằng bàn tay do chính những người lính cắt, khâu trong những đêm trước chiến dịch được chuyền tặng cho dân. Nhiều tấm ảnh Bác được những người lính vốn nâng niu, trân trọng cũng được tặng lại cho đồng bào. Không còn gì để tặng, ông Chốt và đồng đội lấy nốt trong túi những đồng tiền có in hình Bác Hồ tặng cho nhân dân đứng ở hai bên đường xe qua. Dọc đường xe tiến vào thành phố, nhân dân chuyển lên xe tặng bộ đội giải phóng vô số hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá...

Hơn 1 giờ 30, đoàn xe của đơn vị ông tiến qua cổng dinh Độc Lập. Ông Chốt thấy dâng lên trong ngực niềm vui không thể tả. Trên nóc dinh Độc Lập, lá cờ giải phóng xanh đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng nhuốm màu khói súng đang phấp phới tung bay giữa bầu trời Sài Gòn. Nước mắt ông và nhiều đồng đội tự dưng trào ra. Ông nhớ nhất là hình ảnh những bà mẹ miền Nam bồng con nhỏ trên tay vẫy chào bộ đội giải phóng. Giây phút ấy, điều đầu tiên mà ông nghĩ tới là được báo tin chiến thắng về với mẹ.

Tiếp tục hành quân mang theo niềm vui đại thắng

Đêm đầu tiên đơn vị tập kết tại Thảo Cầm Viên, giữa lòng thành phố Sài Gòn là đêm cả đơn vị ông không ngủ. Những người lính vừa trải qua cuộc chiến ròng rã hiểu hơn ai hết giá trị của đêm đầu tiên đất nước hòa bình, thống nhất. Mỗi người một tâm trạng nhưng không ai ngủ. Ai cũng háo hức viết thư về nhà. Để có ánh sáng, anh em chiến sĩ mượn ắc quy của xe ô-tô, lắp vào bóng đèn để viết thư. Thiếu giấy, thiếu bút, mọi người lần lượt chia sẻ, chuyền tay nhau những gì còn lưu giữ được. Ông Chốt thao thức vì nhớ tới những đồng đội đã hy sinh, có người ngã xuống khi chỉ còn cách Sài Gòn dăm cây số.

Dù không được ra khỏi khu vực tập kết, nhưng những ngày sau đó ở Sài Gòn đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm. Cả đơn vị sinh hoạt tập trung, thu dọn chiến trường, chỉnh sửa lại trang thiết bị, vũ khí. Dù rất hiếm hoi nhưng những người lính cũng đã có thời gian để cắt tóc, cạo râu, khâu vá lại quần áo. Không còn mùi khói bom, thuốc súng, nhưng tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu với tàn quân địch luôn được giữ vững.

Những lá thư ông và đồng đội hăm hở viết trong đêm đầu tiên đất nước thống nhất cho đến cả tuần sau cũng không gửi được vì Sài Gòn chưa tái thiết được hệ thống liên lạc. Nhưng những lá thư đó đã trở thành những kỷ niệm không thể quên, tiếp bước cho ông và đồng đội trên đường hành quân thực hiện những nhiệm vụ mới.

Hai hôm sau ngày giải phóng Sài Gòn, đơn vị ông được lệnh rút ra bảo vệ Tổng kho Long Bình (Biên Hòa). Đây mới chính là nơi thử thách cam go tư tưởng, ý chí của những người lính vừa trải qua triền miên gian khó. Theo ông Chốt kể, Tổng kho Long Bình do ta chiếm được của địch lúc này tràn ngập hàng hóa, thuốc men, lương thực, vũ khí, tiền bạc...Trong lúc khó khăn, thiếu thốn nhất, cũng là lúc những người lính Cụ Hồ giữ nghiêm kỷ luật nhất. Không một ai tơ hào dù chỉ một điếu thuốc lá.

Tinh thần ấy đã luôn theo ông Chốt khi ông tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng Campuchia, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và trong suốt cuộc đời binh nghiệp sau này. Năm 1986, do gặp tai nạn trong một đợt diễn tập, trở thành bệnh binh hạng 2, sức khỏe yếu nên ông xin về nghỉ chế độ. Nhưng với trách nhiệm cao, về địa phương, ông tiếp tục tham gia làm Xã đội trưởng 10 năm và tham gia nhiều công tác khác như Bí thư chi bộ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Nông dân... Năm 2015, ông nghỉ hưu và vẫn đảm trách nhiệm vụ báo cáo viên của Đảng ủy xã.

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, cựu chiến binh Lương Đình Chốt lại bồi hồi nhớ đến bao đồng đội đã ngã xuống trên các chiến trường để đất nước có hòa bình, thống nhất như hôm nay.

NGUYỄN THU


(0) Bình luận
Sài Gòn hôm ấy