Nhà giáo Nguyễn Trung Chính, người từng trực tiếp triển khai Tiếng Việt công nghệ giáo dục trong gần 30 năm, vừa gửi thư đến Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo bày tỏ bức xúc vì sách công nghệ giáo dục bị loại.
Học sinh công nghệ giáo dục trong một buổi thực hành
Trong thư, ông Nguyễn Trung Chính (Hội Tâm lý Giáo dục Hải Phòng) xin được là "thẩm định viên" nghiệp dư bộ sách giáo khoa (SGK) mới với mong muốn được nói thật lòng...
Xin được là "thẩm định viên" để nói về sách công nghệ giáo dục
Ông Nguyễn Trung Chính phân tích những giá trị cốt lõi về tư tưởng, triết lý giáo dục của Công nghệ giáo dục (CNGD) mà GS.TSKH Hồ Ngọc Đại đã đặt ra, khẳng định từ thực tiễn. Đó là quan điểm con người tự sản sinh ra mình bằng quá trình lao động. Trẻ em cũng tự sản sinh ra mình bằng quá trình lao động học tập, qua các hoạt động học, thao tác chân, tay, ngôn ngữ để chuyển kiến thức vào trong đầu óc.
Phương pháp CNGD xuất phát từ học thuyết của Marx và cũng phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 29 đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Quan điểm "Lấy người học làm trung tâm" do CNGD khởi xướng, nay phổ cập rộng rãi.
Đó là những lý do ông Nguyễn Trung Chính cho rằng tư tưởng, triết lý của CNGD không phải điều đã lạc hậu từ 40 năm trước như một luồng dư luận đã nhầm tưởng sau khi hội đồng thẩm định SGK loại bộ sách CNGD.
"Chúng ta loại bỏ bộ sách CNGD vội vã, hấp tấp, đơn giản như thế là không chấp nhận luận điểm của Marx về con người và những thành công của CNGD trong dạy tiếng Việt như một gia tốc trong giáo dục - điều đã được các hội đồng thẩm định trước đó đánh giá tốt" - ông Chính nêu vấn đề.
Cũng theo ông Chính, việc loại một bộ sách có giá trị về tư tưởng giáo dục hiện đại, có giá trị thực tiễn là việc đáng tiếc.
"Nếu quý vị không vượt qua được khó khăn lúc này về nhận thức, về tiêu chí, thậm chí vì định kiến cá nhân, hoặc lợi ích nhóm, nó làm sai lệch mục đích cao cả công tâm thì tôi xin hội đồng hãy để cho cuộc sống tự thẩm định.
Dân có đủ sức mạnh, sức mạnh của hàng triệu bậc cha mẹ học sinh, hàng vạn cán bộ, giáo viên đã chỉ đạo, đã đứng lớp công nghệ giáo dục trong suốt 40 năm qua ở ba miền đất nước, từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền núi. Những giáo viên say mê cái mới, không khen thưởng, không chế độ vẫn vượt qua mọi định kiến xã hội và nhiệt tâm theo dạy CNGD.
Nếu một thành viên Hội đồng thẩm định SGK nói dạy CNGD giáo viên vất vả, khó khăn, dạy như cái máy là chưa hiểu hết giáo viên, có thể còn xúc phạm đến lòng yêu nghề của họ" - nhà giáo Nguyễn Trung Chính viết.
Ông Chính đề xuất tình nguyện là "thẩm định viên" nghiệp dư cùng với Bộ GD-ĐT và hội đồng thẩm định đánh giá công tâm, khách quan, tất cả vì một mục tiêu hướng tới là trẻ em.
Kỳ thi đặc biệt "học một đằng, thi một nẻo"
Trong một tâm sự với phóng viên, nhà giáo Nguyễn Trung Chính kể lại câu chuyện đặc biệt của 29 năm trước.
"120 học sinh học sách CNGD, bao gồm Tiếng Việt, Toán, Đạo đức lối sống phải dự thi tốt nghiệp tiểu học tại trường cấp 1-2 Chu Văn An, Hải Phòng. Lẽ ra các em thi chương trình CNGD, nhưng sở xin ý kiến bộ, bộ yêu cầu thi đề chung với học sinh học chương trình đại trà.
Vậy là "học một đằng, thi một nẻo". Là chủ nhiệm đề tài thực nghiệm công nghệ giáo dục, tôi động viên giáo viên cần bình tĩnh. Nhưng tôi cũng hồi hộp không kém họ. Chỉ vài em trượt thôi thì ăn nói sao đây với sở, với cha mẹ học sinh. Con trai tôi cũng trong số đó và cháu cũng có thể trượt. Nhưng niềm vui vỡ òa khi hội đồng công bố kết quả 100% học sinh thực nghiệm đỗ, đạt loại giỏi" - ông Chính kể lại.
Theo phân tích của nhà giáo Nguyễn Trung Chính, chương trình tiểu học đại trà chỉ quy định kiến thức tối thiểu, là hạn dưới. CNGDlà chương trình đề cao trên cơ sở hạn dưới. Và ông cho rằng bài học của việc "học một đằng, thi một nẻo" năm xưa cũng là bài học cho người làm chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Nếu quy định cứng nhắc SGK phải khuôn đúng chương trình thì không khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo của người viết sách, là rào cản cho sự phát triển của học sinh.
Theo Tuổi trẻ