Thực tế đây chỉ là đường với muối Trung Quốc trộn lại thôi, không có tá dược nên rất khó bù nước như quảng cáo.
Sau thời gian làm công nhân chuyên dập vỉ và đóng gói, chúng tôi xin nghỉ phép mấy ngày để lo việc gia đình. Trở lại cơ sở làm việc, người quản lý phân công chúng tôi qua làm việc ở dây chuyền “sản xuất sản phẩm trị tiêu chảy”. Tại đây, chúng tôi phát hiện ra công nghệ làm “thuốc” hết sức kinh khủng.
Sau khi làm mệt mỏi, một công nhân mình trần ngủ cạnh nguyên liệu làm “thuốc” trị tiêu chảy OR
“Công nghệ” 1kg muối + 3 kg đường
Theo điều tra của phóng viên, tại một căn nhà thuê lại nằm trên đường Dương Văn Dương, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Xuân C. yêu cầu một nhóm công nhân khoảng 8 người sản xuất các bịch OR. Loại “thuốc” này được gọi là bù nước và giảm các triệu chứng mất nước cho người bị tiêu chảy và sản phẩm Sorb. Người của Công ty TNHH MTV MC F. thì nói đây là “chất ngọt tổng hợp, chất ổn định”.
Ở cơ sở này, ông C. không để bảng hiệu công ty, nhưng vẫn ngày đêm rầm rộ sản xuất. Đây cũng là nơi chứa nguyên liệu muối, đường, bao bì, nhãn hiệu…liên quan đến các loại thực phẩm chức năng, đồng thời là nơi tá túc của gần chục công nhân. Tất cả cơ sở này ông C. giao cho người thanh niên làm việc lâu năm tên Th. quản lý.
Viện cớ gia đình có công việc, chúng tôi xin nghỉ làm ở cơ sở cũ vài hôm. Sau khi quay lại, người quản lý cho biết, đã bố trí người khác chạy máy dập vỉ thay thế, do đó chúng tôi được chuyển qua cơ sở đóng gói OR. và Sorb. Thời gian làm việc từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối, lương ăn theo sản phẩm.
Sau khi vào làm, ông Th. yêu cầu người công nhân tên An, 17 tuổi hướng dẫn “lính” mới cách pha chế và sản xuất ra một gói OR. hoàn chỉnh. Chúng tôi được An dạy cách thức pha chế vô cùng đơn giản. “Cứ lấy 1kg muối cùng 3kg đường tinh luyện có nguồn gốc từ Trung Quốc đổ vào khay nhựa”- An chỉ tay về phía đống nguyên liệu và nói như ra lệnh. “Cứ thế nhân số kg lên sao cho đầy khay nhựa là ok”- người này tiếp.
Để thực hiện công đoạn “làm mẫu”, An dùng bàn tay trần trụi trộn hai thứ hỗn hợp trên, vừa trộn An vừa giải thích: “Trộn xong mình phải kiểm tra xem đường với muối có đều hay chưa”. Thấy “lính” mới trộn chưa đều, An liền lấy một nắm hỗn hợp này cho vào miệng nếm thử. Thấy mặn, An phun, khạc nhổ vào cả “nguyên liệu” vừa trộn xong khiến những công nhân đang làm việc gần đó quay sang văng tục chửi thề...
Trộn xong, chúng tôi được hướng dẫn “làm bước tiếp theo”. An chỉ cách dùng thìa ăn cơm xúc hỗn hợp đường, muối này cho vào các vỏ bịch kẽm đã in dòng chữ OR. “Cứ một thìa thì bỏ vào một bịch OR.”- An chỉ đạo.
Ngồi đối diện chúng tôi, nhóm công nhân có người mang bao tay, có người tay trần cứ thế xúc đổ thứ hỗn hợp này vào bịch kẽm OR. Sau khi bỏ vào bịch, chúng tôi chuyển qua bộ phận máy ép dính miệng bịch lại. Còn các công nhân sau khi ép dính miệng bịch xong không sắp xếp gọn gàng mà vứt phình phịch từng bịch OR. xuống nền nhà nhơ nhớp, choán cả lối đi, nhóm công nhân mỗi khi qua lại vô tư giẫm đạp lên.
Dưới sự chỉ đạo của ông Th., mỗi ngày nhóm công nhân chúng tôi cho ra lò khoảng 200 thùng OR., mỗi thùng 100 gói. Các công nhân làm việc ở đây cho biết, đa số hàng này bán ra các tỉnh miền Tây và khu vực phía Bắc.
Đường + muối nhưng “nổ” là thuốc
Trong lúc làm việc, công nhân tên M. đang làm sản phẩm OR. quay sang rỉ vào tai chúng tôi: “Có khi hàng bán không hết hay không đạt chất lượng, đại lý trả về , “thuốc” này để “vón cục”. Bỏ đi thì tiếc nên ông chủ yêu cầu công nhân tiếp tục mở ra rồi trộn với muối, đường rồi đóng thành gói mới và tiếp tục bán ra thị trường. “Cái này người không bị tiêu chảy uống vào cũng chết, thành tiêu chảy cấp luôn”- công nhân tên M., lắc đầu.
Trong thời gian làm việc tại đây, phóng viên bị đau bụng tiêu chảy, một công nhân nói vui “dùng OR. để uống cầm nước” nhưng các công nhân còn lại can ngăn, bởi uống vào là “đi luôn”. Khi hỏi các công nhân làm việc lâu năm, rằng sản phẩm OR. này là thuốc hay thực phẩm chức năng thì nhiều công nhân cho biết, “chẳng biết nó là thể loại gì”. Bởi, thực tế sản phẩm OR. trên bao bì không ghi là thuốc hay thực phẩm chức năng. Chỉ ghi công dụng: “Hỗ trợ điều trị bệnh nhân tiêu chảy”. Mặc dù bên ngoài bịch OR. ghi hàng loạt thành phần như Dextrose Anhydrous 71,6%; Natri Chlorid 12,5%; Natri Citrat 10,3% và Kali Chiorid tỷ lệ 5,3%. Không có tá dược trong thành phần cũng như Glucose khan...Tuy nhiên, theo M., sản phẩm này khi bán ra do không ghi “thuốc hay thực phẩm chức năng” nên ông chủ cứ lập lờ là “thuốc”.
T., một công nhân chuyên quản lý sản phẩm OR., từ công đoạn nhập nguyên liệu đến pha trộn và tìm khách hàng tiêu thụ, tiết lộ: “Loại OR. này ghi tràn lan thành phần nhưng đều không có tác dụng như những gì công bố”. Người này nói thực tế đây chỉ là đường với muối Trung Quốc trộn lại thôi, không có tá dược nên rất khó bù nước như quảng cáo. Dược sĩ Nguyễn Văn Trung - chuyên gia dược lâm sàng của ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, việc dùng đường và muối trộn và cho ra sản phẩm “trị tiêu chảy” như kiểu này thì người uống chỉ tiền mất tật mang.
“Nếu dung dịch pha quá loãng hoặc cho uống ít hơn lượng đề nghị sẽ không cung cấp đầy đủ nước, các chất điện giải và glucose. Trong khi một dung dịch đậm đặc quá và một lượng cho uống nhiều hơn yêu cầu có thể dẫn đến quá tải nước và chất điện giải, đặc biệt lưu ý đối với trẻ sơ sinh và trẻ em nhỏ tuổi nên rất nguy hiểm”- dược sĩ Trung nói.
Khi tôi hỏi những công nhân lâu năm, tại sao thực phẩm chức năng mà toàn đường, muối và bột như vậy mà cơ quan chức năng không hay biết? Một công nhân nói: “Không ít lần việc kiểm tra của các cơ quan ban ngành được ông chủ dường như biết trước”. Mỗi lần như vậy, để đối phó, ông C. cho công nhân nghỉ làm, tập trung cho việc dọn dẹp vệ sinh, cho xe vận chuyển số thực phẩm chức năng đã ra thành phẩm ở các cơ sở đi giấu ở một địa điểm khác. Sau khi sự việc lắng dịu, đoàn kiểm tra ra đi thì số thực phẩm chức năng này được chở về lại các cơ sở rồi tiếp tục tuồn ra thị trường tiêu thụ.
Theo Tiền phong