Rung động mùa xuân Tây Bắc

13/03/2017 05:50

Tình cờ gặp bài thơ lục bát xinh xắn Chỉ còn câu khắp của nhà thơ Trần Vân Hạc, tôi có chút bất ngờ khi nhà thơ dùng thể thơ lục bát để diễn tả cảm xúc về mùa xuân Tây Bắc, khi người nơi đây đã quen với những tác phẩm được thể hiện bằng thể thơ tự do. Có lẽ vì thế mà Chỉ còn câu khắp cứ đọng lại trong lòng người đọc dư vị, cảm giác bâng khuâng, dìu dịu.

Chỉ còn câu khắp


Câu khắp chạm vào môi em
Ngân xanh ngàn lá trái tim nõn nà
Thế rồi xuân đất trời hoa
Cùng em say lửa hoan ca hội xòe
Gió xuân như chợt mê đi
Chỉ còn câu khắp đương thì vút lên.

TRẦN VÂN HẠC


Câu khắp chạm vào môi em
Ngân xanh ngàn lá trái tim nõn nà.


Mở đầu bài thơ, người đọc bắt gặp âm hưởng Tây Bắc từ câu hát, từ môi em, câu khắp có sức ngân vang thật xa, mở ra một không gian mênh mang của ngàn xanh mơn mởn. Một phép ẩn dụ độc đáo, cách dùng từ của nhà thơ cũng rất sáng tạo, một liên tưởng tinh tế khi nhà thơ ví những chiếc lá ban như những trái tim nõn nà. Trái tim lá ấy căng tràn nhựa sống, là biểu tượng của tình yêu trắng trong son sắt. Những trái tim xanh ấy dường như cũng ngân rung, cũng lay động bởi âm thanh của câu khắp. Hay câu khắp đã lay chạm tới thiên nhiên, đến cỏ cây hoa lá, khiến màu xanh của lá dường như cũng xanh hơn, tươi mởn hơn.

Câu khắp được sinh ra, được nuôi dưỡng bởi núi rừng, thiên nhiên, bởi tâm hồn Tây Bắc, câu khắp cùng với hội xòe, những chiếc khăn piêu… làm nên đời sống tinh thần, làm nên văn hóa Tây Bắc độc đáo.

Thế rồi xuân đất trời hoa
Cùng em say lửa hoan ca hội xòe.


Bằng phép liệt kê, chỉ với bốn từ: xuân đất trời hoa mà nhà thơ đã gói trọn, đã khái quát đầy đủ cả vũ trụ, cả thiên nhiên, cả không gian, thời gian trong câu thơ. Thiên nhiên, vũ trụ và em, nhân vật trữ tình mang tính chủ thể cùng say lời ca, say lửa hội xòe nồng say. Ta bắt gặp sự giao hòa, gắn bó giữa thiên nhiên và con người, đủ thấy được tình yêu thiên nhiên, tâm hồn phóng khoáng của con người nơi đây và hiểu thêm lời người Thái vẫn dạy nhau từ đời này sang đời khác: “Không xòe không tốt lúa/ Không xòe thóc cạn bồ/ Không xòe trai gái không thành đôi/ Không xòe hoa sẽ héo tàn”. Triết lý âm dương, quan niệm về vũ trụ: đất - trời - lửa - nước, khát vọng sống và ý nghĩa nhân sinh ẩn chứa trong các điệu xòe, trong từng bước vũ và câu khắp thiết tha, sâu nặng ân tình.

Trong ánh lửa của đêm hội xòe, con người và thiên nhiên đã đồng cảm, đã hòa nhập làm một, cùng khát khao, cùng mong ước về một cuộc sống thanh bình, tốt đẹp, để quên đi những nỗi lo toan, nỗi nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Không phải ngẫu nhiên mà mùa xuân thường là mùa của lễ hội. Khi những mầm xanh được mùa xuân ươm dưỡng, tràn trề nhựa sống, đấy cũng là lúc con người thể hiện những khát vọng yêu thương bằng những làn điệu dân ca quê mình, bằng những sinh hoạt văn hóa đặc trưng vùng miền. Với Tây Bắc những con người chân chất, hiền lành lại gửi gắm hồn mình bằng những câu khắp, bằng những điệu xòe. Mỗi khi câu khắp cất lên, mỗi khi điệu xòe bay nhảy, con người như được gột rửa tinh thần, gần gũi chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời để rồi bước vào cuộc sống lao động với một niềm tin yêu sáng trong phơi phới.

Khi đọc bài thơ Chỉ còn câu khắp của tác giả Vân Hạc, ta hiểu hơn tâm tư của người Thái. Phải là người am hiểu về Tây Bắc, đã gắn bó máu thịt với mảnh đất này và hơn thế nữa phải có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc thì nhà thơ mới thấm, mới cảm nhận được mỗi hơi thở, mỗi hình ảnh, mỗi sắc màu và con người nơi đây. Đến cả sắc xanh cây lá, đến hơi thở của trời đất, đã thấm đã ngấm vào thơ anh để làm nên một giọng điệu thơ rất riêng.

Gió xuân như chợt mê đi
Chỉ còn câu khắp đương thì vút lên.


Từ “mê” được nhà thơ sử dụng rất đắt, thể hiện sự liên tưởng độc đáo, dường như nhà thơ hình dung được hình khối, trạng thái, cảm xúc của thiên nhiên vô hình: gió cũng có tâm hồn, cũng rung động trước lời ca, điệu múa. Có lẽ gió cũng còn cảm nhận được tình yêu, khát khao được con người thể hiện qua làn điệu dân ca Tây Bắc, trong điệu múa xòe. Phải chăng vì thế mà gió chợt mê đi, thiên nhiên lặng đi làm nền cho câu khắp đương thì trẻ trung vút lên và nhan sắc người con gái thanh tân đẹp đến nao lòng.

Câu khắp được tác giả lặp lại trong câu cuối bài thơ cũng rất sáng tạo: câu khắp đương thì là câu khắp đang mơn mởn như mùa xuân. Câu thơ khẳng định sự tồn tại, sức sống mạnh mẽ của câu khắp, âm hưởng của Tây Bắc là đây, tình yêu, khát vọng của Tây Bắc là đây, câu thơ dung dị mà hàm chứa cả cái hơi, cái hồn của Tây Bắc. 

PHẠM THỊ THÚY NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rung động mùa xuân Tây Bắc