Dù không am hiểu nhưng nhiều người vẫn lao vào những phiên "xanh đỏ" của sàn giao dịch chứng khoán, để rồi rơi vào tình cảnh tiền đầu tư không cánh mà bay.
Là nhà đầu tư mới nên chị Trần Thùy D. ở TP Hải Dương tương đối thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư
Người này rủ người kia, mở tài khoản rồi đầu tư cổ phiếu vào mã này, mã nọ khi được mách nước… Nhiều người "tay mơ" nên không am hiểu, chơi chứng khoán kiểu phong trào phải đối mặt tình cảnh tiền đầu tư không cánh mà bay.
Lãi lỗ theo từng phiên “xanh đỏ”
Tại một quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Lương Bằng, với chiếc laptop, anh Nguyễn Đình T., sinh năm 1987, nhân viên một doanh nghiệp (cùng ở TP Hải Dương) vừa trò chuyện với nhóm đầu tư chứng khoán trên Zalo, vừa theo dõi biến động giá của những cổ phiếu đã bỏ tiền đầu tư. Anh T. cười bảo: “Những mã cổ phiếu tôi mua đều từ sự mách bảo của một số người đi trước. Thi thoảng theo dõi biến động để biết mình đang lỗ hay lãi thôi”.
Giữa năm 2021, anh T. mua mã cổ phiếu của một công ty trong ngành thép với mức đầu tư 20 triệu đồng. Đến nay, anh T. đã đầu tư thêm 60 triệu đồng để mua thêm cổ phiếu của một số công ty khác. “Lãi cao nhất có lúc lên đến 35% tổng số tiền đã đầu tư. Song chỉ sau vài phiên giao dịch, thị trường “đỏ sàn”, nhất là thời điểm giữa tháng 1 vừa qua thì số lãi đó đã vơi dần”, anh T. chia sẻ.
Cùng xuất phát điểm là nhà đầu tư “tay mơ” nhưng có thâm niên “chơi chứng” lâu hơn, anh Trịnh Anh V., sinh năm 1991, từng nhiều lần trải qua cảm giác lên xuống cùng thị trường. “Tôi đã tìm hiểu chứng khoán và bắt đầu đầu tư năm 2018. Cũng nhiều phen thăng trầm bởi chủ yếu nghe theo nhân viên môi giới hoặc một số người bạn cùng đầu tư chứ tôi không quá am hiểu về nội tình doanh nghiệp”, anh V. nói.
Đầu tháng 12 năm ngoái, thị trường chứng khoán trong nước hồi phục mạnh mẽ. “Đây cũng là lúc tim tôi loạn nhịp. Bởi chỉ vài phiên giao dịch trước đó, thị trường lao dốc “đỏ lòm” khiến tôi thua lỗ. Khi thị trường xanh hơn, tôi đã bán tháo tương đối nhiều cổ phiếu vì lo sợ sẽ mất giá tiếp. Tiếc rằng vừa bán xong, giá cổ phiếu lại tăng lên. Tiền mất mà cổ phiếu cũng không còn”, anh V. than thở. Sau nhiều phen lãi lỗ theo sắc xanh đỏ của thị trường, anh V. đã quyết định rời bỏ chứng khoán để lựa chọn kênh đầu tư khác.
Hấp dẫn khách hàng ở nhiều lứa tuổi nên số lượng tài khoản chứng khoán có xu hướng ngày một tăng. Tính riêng Agriseco (Công ty CP Chứng khoán Agribank), thông qua đại lý là Agribank chi nhánh Hải Dương, năm 2021 có 35 tài khoản chứng khoán được mở, tăng gần 4 lần so với năm 2020. Từ đầu năm đến nay có thêm 3 tài khoản mới. Với VCBS (Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank), thông qua Vietcombank chi nhánh Hải Dương, năm 2021 có 156 tài khoản chứng khoán được mở, 28 tài khoản khác được mở từ đầu năm đến nay. Dù mới trở thành đại lý của BSC (Công ty CP Chứng khoán BIDV) từ tháng 11.2021 nhưng BIDV chi nhánh Thành Đông đã có 350 tài khoản chứng khoán được mở. Số lượng tài khoản chứng khoán mở theo hình thức online thông qua ứng dụng điện tử của các công ty chứng khoán còn nhiều hơn thế.
Thống kê từ chi nhánh một số ngân hàng cho thấy số lượng tài khoản chứng khoán được mở thời gian qua có xu hướng gia tăng (ảnh minh họa)
Chứng khoán khó “đãi” kẻ khù khờ
Chẳng cần quan tâm tình hình tài chính của doanh nghiệp ra sao, lợi nhuận thế nào, không cần biết đọc biểu đồ kỹ thuật, cứ mua theo phong trào do được “phím”, mua xong ngồi “khấn” để cổ phiếu tăng giá. Đó là cách thức đầu tư phổ biến của những nhà đầu tư “tay mơ”. Cũng vì thế, không ít người đã phải nếm trái đắng. Bởi với một thị trường biến động như chứng khoán, người kiếm tiền bằng cảm tính chính là người dễ thất bại nhất.
2 năm trước, chị Đỗ Thị Q. (sinh năm 1992) ở TP Hải Dương bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán. Dù kinh doanh tự do, kiến thức tài chính tương đối hạn chế song chị Q. đã ngay lập tức đầu tư hàng chục triệu đồng để mua cổ phiếu. “Ngày đó tôi và nhiều người bạn khác cùng tham khảo trên mạng để lựa chọn một số mã cổ phiếu được cho là sẽ sinh lời cao. Tuy nhiên sau một thời gian, chúng tôi phải bán để “cắt” lỗ vì những mã đó bị tụt giá”, chị Q. chia sẻ.
Tiếc tiền đầu tư đã mất, chị Q. tiếp tục tham khảo, đầu tư vào nhiều mã cổ phiếu khác để thu hồi vốn. Nhưng càng đầu tư, càng lỗ lại càng lún sâu. Chỉ sau 2 năm, hàng trăm triệu đồng tiền tích góp của 2 vợ chồng chị Q. đã “đội nón” ra đi. “Không phải ai đầu tư chứng khoán cũng lỗ như tôi, nhưng đa phần những người thiếu am hiểu tài chính, thiếu thông tin thị trường, đầu tư chứng khoán dựa vào may rủi đều khó có được lợi nhuận. Một người bạn tôi thậm chí suýt tan vỡ gia đình vì thua lỗ cả tỷ đồng do chứng khoán. Kênh đầu tư này không phải nơi để thử vận may”, chị Q. nói.
Trao đổi qua điện thoại, anh Nguyễn Tiến Mạnh, chuyên viên tư vấn đầu tư của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank khẳng định không thể phủ nhận thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng, là kênh huy động vốn của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán thời gian qua có sự tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, ổn định cả về số lượng, chất lượng. “Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán theo phong trào, theo sự hô hào của nhân viên môi giới sẽ khiến nhà đầu tư đối mặt nguy cơ mất vốn, thua lỗ nặng”, anh Mạnh khẳng định.
Anh Mạnh nhận định năm 2022, thị trường chứng khoán được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực, nhưng có thể diễn biến thận trọng hơn. Nhà đầu tư khi lựa chọn rót vốn vào thị trường chứng khoán cần có sự chọn lọc các tư vấn đầu tư, quan tâm đến doanh nghiệp lành mạnh, cần có kiến thức cơ bản về tài chính cũng như về thị trường chứng khoán. Đặc biệt cần tạo cho mình một nguyên tắc giao dịch cả về cắt lỗ cũng như chốt lời.
HÀ KIÊN- QUỲNH MAI