Rửa mặt bằng nước muối có nồng độ cao, kéo dài, có thể khiến da tổn thương, khô rát và sạm da.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh, thông tin, nước muối có những lợi ích nhất định đối với làn da. Muối hoạt động như một chất tẩy tế bào chết cơ học nhằm loại bỏ đi các tế bào da chết. Nhờ vậy, giúp cho da mịn màng, mềm mại và tươi sáng hơn.
Thông qua các hoạt động thẩm thấu, muối hấp thụ chất độc và hút chất bẩn, dầu ra ngoài, cải thiện kích thước lỗ chân lông.
Tuy nhiên, muối có tính ăn mòn và có thể làm tổn thương da khi sử dụng ở nồng độ cao trong một thời gian dài. Rửa mặt bằng nước muối cũng có thể gây sạm da, rát, khô da hoặc trầm trọng thêm một số bệnh lý như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc...
Chăm sóc da mặt luôn là mối quan tâm của phụ nữ. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Vậy, nước muối thế nào là phù hợp để rửa mặt?
Theo bác sĩ Hiền, người dùng có thể tự pha chế với công thức: đun sôi 500ml nước và 1 thìa (5ml) muối biển hoặc muối ăn (tránh sử dụng muối thô), để hỗn hợp trong hộp kín. Sau khi hỗn hợp đạt đến nhiệt độ phòng, hãy đóng chặt hộp chứa và bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Trường hợp dễ bị khô da, bạn nên sử dụng các sản phẩm có công thức chuyên nghiệp, phù hợp cho da và hoạt động tốt hơn so với nước muối thông thường.
Bác sĩ Hiền cho hay, để rửa mặt bằng nước muối đúng cách, cần lau nhẹ mặt bằng một miếng bông hoặc miếng bông thấm dung dịch nước muối. Xịt nước muối lên mặt và nhẹ nhàng dùng bông tẩy trang thấm bớt phần dư thừa. Kết hợp bôi kem dưỡng ẩm phù hợp để ngăn ngừa khô da.
Lưu ý, tuyệt đối không tẩy tế bào chết khi rửa mặt bằng nước muối. Ngừng sử dụng nước muối và đến bác sĩ da liễu để thăm khám ngay nếu có dấu hiệu bị đỏ, bong da, cảm giác căng da, ngứa, đóng vảy, thay đổi màu da.
Theo Vietnamnet