Rong ruổi rao bán “cậu trời”

28/09/2015 08:27

Chỉ cần một chiếc xe máy, chiếc sọt mây, vài ba con dao và… “bí kíp gia truyền" là những người buôn bán "con cóc là cậu ông trời" có thể rong ruổi mưu sinh khắp mọi nơi.


Nghề bán thịt cóc dạo khá vất vả


Nghề bán dạo

“Trong quá trình làm thịt cóc, người làm phải cẩn thận, gọn gàng, không để lẫn thịt cóc với các phần khác chứa độc tố có thể gây nguy hiểm cho người ăn".

Một ngày cuối tuần đang lang thang trên phố, tôi bất ngờ nghe thấy tiếng rao: “Ai thịt cóc đây…”. Trên chiếc xe máy cà tàng, anh Nguyễn Văn Đức ở xã Minh Đức (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chở vợ và phía sau một sọt đầy cóc chầm chậm lượn quanh các tuyến phố. Ở đầu xe là tấm biển “Bán thịt cóc”. Theo chân anh chị đi qua vài con đường trong thành phố mà chưa có khách, anh cho xe dừng lại để nghỉ chân uống nước. Thấy tôi tò mò, anh Đức bộc bạch: “Trước đây, chúng tôi hay ngồi cố định ở các chợ để bán. Tuy nhiên, lượng khách ngày một ít nên vợ chồng tôi đèo nhau đi rao cho tiện. Người mua được tận mắt chứng kiến chúng tôi làm thịt cóc cũng yên tâm hơn”.

Bán thịt cóc là nghề gia truyền của gia đình anh Đức. Anh theo học nghề của cha mình từ khi còn nhỏ. Hằng ngày, hai vợ chồng anh rong ruổi khắp nơi để bán cóc. Anh chia sẻ: “Công việc này chẳng bao giờ cố định một chỗ. Hằng ngày, chúng tôi di chuyển trên 100 cây số qua các huyện và thành phố trong tỉnh phục vụ khách. Chúng tôi thuê nhà ở thành phố cho tiện việc đi lại. Tính đến nay, vợ chồng tôi đã bán thịt cóc ở đây được 6 năm”. Ở xã Minh Đức quê anh có rất nhiều gia đình làm nghề này. Họ có mặt ở khắp mọi nơi từ Nam ra Bắc. Công việc mưu sinh vất vả nhưng cũng giúp họ có được khoản thu nhập kha khá để lo cho cuộc sống. Gia đình anh cũng đã đi nhiều nơi để hành nghề. Nhấp chén nước chè, anh kể: “Trước đây còn trẻ, còn khỏe, chúng tôi đi vào tận Vũng Tàu, Cần Thơ, Bình Dương… để bán cóc. Bây giờ con cái đã lớn không phải lo lắng nhiều về kinh tế nên tôi chỉ đi làm ở những tỉnh gần cận. Mỗi tháng, hai vợ chồng cũng kiếm được 4-5 triệu đồng tiền lãi từ việc bán thịt cóc, đủ trang trải cuộc sống cho hai người và còn để dành một khoản nhỏ mua quà cho các cháu”. Còn chị Tuyết (vợ anh Đức) cho biết đến giờ chị đã theo chồng làm thịt cóc được gần 30 năm.

Từ xa xưa, con cóc đã được ví như “cậu ông trời” nên ít người dám giết thịt. Tuy nhiên, thịt cóc lại có giá trị dinh dưỡng cao, là bài thuốc quý chữa bệnh còi xương ở trẻ nhỏ. Chính vì vậy, một số người như vợ chồng anh Đức đã có được cuộc sống tốt hơn từ việc rao bán “cậu trời”.

Người bán thưa dần

Nghề bán thịt cóc không phải đầu tư nhiều vốn nhưng thật sự vất vả chỉ có người trong nghề mới hiểu. Khó khăn nhất là có được đầu mối để mua cóc. Trước đây khi mới vào nghề, anh Đức phải nhờ lấy cóc qua chỗ người quen. Sau một thời gian chịu khó làm ăn, vợ chồng anh đã có khoảng gần chục đầu mối cung cấp cóc sống ở các tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Để chuẩn bị cho mỗi chuyến đi, anh thường liên hệ trước với các đầu mối bán cóc. Đi đến đâu, nhận hàng ở đó. Có mối ở ngay trong tỉnh do người dân tự bắt rồi bán lại cho anh. Có mối ở tỉnh khác tập trung với số lượng nhiều. Khi cần anh chỉ cần gọi điện, chủ hàng sẽ gửi cóc đến tận nơi cho anh bằng xe khách.

Anh Nguyễn Văn Ngôn (43 tuổi) ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã coi Hải Dương như quê hương thứ 2 của mình. Gần 20 năm sinh sống và hành nghề bán thịt cóc, anh đã thông thuộc hết đường ngang, ngõ tắt trong tỉnh. Anh chia sẻ: "Mối hàng thịt cóc ngày một hiếm do bị đánh bắt quá nhiều".

Những người thợ cóc ngày càng phải di chuyển đi nhiều nơi hơn, không phải do cạnh tranh với nhau mà cái chính là do nguồn hàng ngoài tự nhiên ngày một hiếm, số người đi bắt cóc cũng ít dần. Chính vì vậy, giá thịt cóc cũng dao động thất thường. Hiện nay, một kg cóc sống có giá trên dưới 400.000 đồng. Hôm nào may mắn, vợ chồng anh Đức cũng bán được gần 10 kg cóc. Nhưng có nhiều ngày lang thang khắp phố phường mà không bán được con nào. Chị Tuyết tâm sự: “Bây giờ cuộc sống phát triển, người dân có điều kiện hơn để hưởng thụ. Vì vậy, món thịt cóc cũng không còn thịnh hành như trước”. 

Một điều lo ngại luôn thường trực đối với người làm thịt cóc đó là bảo đảm an toàn cho khách hàng. Thịt cóc rất bổ dưỡng nhưng nếu không được làm đúng cách sẽ nguy hiểm cho người ăn. Do vậy, làm thịt cóc cũng phải công phu hơn các món ăn khác. Chị Tuyết bật mí: “Thịt cóc có thể làm được nhiều món ăn như: chiên, làm chả rán hay làm ruốc. Tuy nhiên, để thành món phải mất nhiều công đoạn. Sau khi mổ, phải lược bỏ phần đầu, da, trứng  và nội tạng. Phần thịt còn lại được rửa sạch và bóp qua muối trước khi chế biến. Trong quá trình làm thịt cóc, người làm phải cẩn thận, gọn gàng, không để lẫn thịt cóc với các phần khác chứa độc tố có thể gây nguy hiểm cho người ăn. Cầu kỳ nhất là làm ruốc cóc. Công đoạn sao ruốc phải mất hơn 2 tiếng, đảo liền tay để ruốc chín đều và không bị cháy”.

Cuộc sống hiện đại đã khiến nơi ở của “cậu ông trời” bị thu hẹp. Tiếng rao “ai thịt cóc đây” của những người làm nghề này cũng thưa dần. Đây cũng là điều đáng lo ngại đối với sản xuất nông nghiệp. Bởi cóc là "thiên địch" chuyên ăn các loại côn trùng phá hoại mùa màng.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rong ruổi rao bán “cậu trời”