Rối nước Hồng Phong thu hút được rất nhiều du khách nước ngoài về xem. Khách du lịch chủ yếu đến từ Pháp, Ý, Đức…
Các nghệ nhân ngâm mình dưới nước biểu diễn rối nước
Mỗi năm có tới gần 300 suất diễn nhưng khán giả chủ yếu của rối nước Hồng Phong hiện là... khách nước ngoài. Nếu mở rộng được thị trường khách du lịch trong nước thì phường rối Hồng Phong sẽ bớt khó khăn trong việc giữ gìn và phát triển nghề.
“Đặc sản” rối nước Hồng Phong Những người cao tuổi nhất của thôn Bồ Dương (xã Hồng Phong, Ninh Giang) cũng không biết rối nước ở đây có từ bao giờ, chỉ ước đoán khoảng từ thế kỷ XVII vì trong hệ thống kèo cột của đình làng có lưu hình chạm khắc về loại hình nghệ thuật này như sóc leo cây, múa cô tiên… Điểm đặc sắc của rối nước Hồng Phong nằm ở cách điều khiển con rối. Trong khi nhiều phường rối khác điều khiển con rối bằng hệ thống sào hoặc sào kết hợp với dây thì các nghệ nhân ở đây điều khiển con rối hoàn toàn bằng hệ thống dây. Ông Nguyễn Văn Trương, Phó trưởng phường rối nước Hồng Phong cho biết, hệ thống điều khiển con rối gọi là hệ chuyển động dưới nước. Trong khi nhiều phường rối khác ngoài hệ thống cọc và dây cần phải dùng một bộ máy điều khiển gọi là “khung củi” hay “bàn máy” thì hệ chuyển động của rối nước Hồng Phong chỉ gồm các cọc được đóng dưới đáy ao, dây và các ròng rọc.
Sự phức tạp và bí quyết nằm ở cách bố trí hệ thống dây sao cho có thể điều khiển được con rối có những cử động rất phức tạp, sinh động và có thể chạy ra rất xa. Như trong tích trò "Vinh quy bái tổ", một hàng rối cả chục con diễu vòng quanh ao, cách xa người điều khiển hàng chục mét mà vẫn đi rất đều, rất thẳng hàng. Hay như trong trò "Đấu ngựa cửa sóc", hai con ngựa xoay vòng quanh, biểu diễn đấu nhau rất sinh động.
Hệ thống dây điều khiển con rối phải được mắc trước khi diễn. Một buổi diễn của phường rối Hồng Phong thường kéo dài gần 1 tiếng với hơn 10 tích trò. Các tích trò này được diễn liên tục, không thể có thời gian dừng lại để mắc lại dây. Chính vì thế các nghệ nhân phải mắc dây trước đó theo thứ tự, lớp lang nhất định để có thể diễn hết trò này sang trò khác mà dây không bị rối vào nhau.
Mỗi phường rối lại có những bí quyết riêng tạo nên sự đặc sắc và họ giữ gìn những bí quyết ấy hết sức nghiêm cẩn, trong khi vẫn tìm cách “ngó nghiêng” bí quyết của các phường khác. Ông Trương rất hãnh diện kể rằng, mỗi lần đi biểu diễn ở các nơi, các phường rối khác đều tìm cách tham khảo cách mắc dây này. Nhiều người còn tỏ vẻ không tin các ông điều khiển con rối bằng dây mà dùng chíp điện tử. Nhưng ông chỉ coi đó là một lời khen, còn bí quyết thì cả phường rối luôn giữ kỹ.
Đắt khách ngoại, vắng khách taSau những năm tháng bị gián đoạn do chiến tranh, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, phường rối Hồng Phong chính thức được khôi phục từ năm 1990. Từ đó tới nay, phường rối Hồng Phong đã được tỉnh quan tâm đầu tư kè bờ ao, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ xây dựng thủy đình. Gần đây nhất, Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (viết tắt là JICA) đã xây tặng phường rối nước Hồng Phong một Nhà lưu niệm trưng bày rối nước với mong muốn tăng cường phát triển du lịch ở đây.
Từ chỗ chỉ diễn trong hội làng và lưu diễn tại các địa phương xung quanh mỗi khi được mời, đến bây giờ hoạt động của phường rối chuyển sang chủ yếu phục vụ khách du lịch. Hằng tuần, các công ty du lịch ở Hà Nội lại đăng ký tour rồi đưa khách về xem biểu diễn.
Phường rối nước Hồng Phong biểu diễn phục vụ nhân dân nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Bố Dương
Điểm đặc biệt là khách du lịch về xem múa rối đa phần là người nước ngoài. Ông Trương cho biết, trong năm 2012, chỉ có 2 đoàn khách người Việt Nam, còn lại là du khách Pháp, Ý, Đức… Những người phương Tây đến đây đều mê mẩn với nền văn hóa truyền thống lâu đời đậm chất phương Đông, với phong cảnh làng quê đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, với rối nước - loại hình nghệ thuật dân gian vừa dân dã, vui tươi lại vừa kỳ bí.
Những tháng cao điểm phường rối diễn tới gần 40 suất, còn thông thường cũng được khoảng 25 suất một tháng. Mật độ biểu diễn của phường rối Hồng Phong không thua kém các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng thu nhập của họ chẳng đáng là bao. Mỗi suất diễn như thế được trả trọn gói 750 nghìn đồng, 18 người tham gia biểu diễn, mỗi người được trả công 30 - 40 nghìn đồng, số còn lại được góp vào quỹ để chi tiêu khi cần thiết. Trong khi đó, duy trì một phường rối đòi hỏi nhiều chi phí như: tiền mua mành, rèm, gỗ, sơn để làm con rối, trang phục biểu diễn, nhạc cụ, loa đài… Các nghệ nhân biểu diễn lấy niềm vui là chính vì được giữ gìn truyền thống của cha ông, tự hào vì giới thiệu được với du khách khắp nơi trên thế giới về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Ông Vũ Văn Doãn, nghệ nhân cao tuổi nhất của phường rối nước Hồng Phong lắc mái đầu bạc phơ khi được hỏi thanh niên Bối Dương bây giờ có thích học nghề rối từ các ông không. “Thanh niên khỏe mạnh họ thích đi làm các công việc khác, được trả tiền công khoảng 100 - 200 nghìn một ngày chứ chẳng ai muốn làm rối nước cả. Phường rối chúng tôi người ít tuổi nhất cũng đã 50. Nếu cứ thế này, e chẳng đào tạo đủ người kế cận”- ông Doãn lo âu nói. Sự lo âu ấy không chỉ của riêng ông mà là mối lo âu chung của rất nhiều ngành nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Song ở Hồng Phong, tiềm năng phát triển du lịch là rất lớn khi điểm biểu diễn rối nước nằm ngay cạnh đình làng Bối Dương, một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, gần đảo cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện) - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn và đền Tranh (Ninh Giang) - di tích lịch sử cấp quốc gia. Nếu biết kết hợp khai thác, tạo thành tour du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử, mở rộng thị trường nội địa thì lượng khách đến với nghệ thuật rối nước ở Hồng Phong chắc chắn sẽ gia tăng. Khi giải quyết được nỗi lo mưu sinh thì nghệ thuật sẽ rộng đường phát triển.
VIỆT HÒA