Binh sĩ Indonesia khuân một mảnh vỡ tìm thấy từ chuyến bay JT-610 trên bãi biển Tanjung Pakis ở Karawang ngày 30.10 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters dẫn trang mạng FlightRadar24 công bố các dữ liệu cho thấy chiếc Boeing 737 MAX của Lion Air, rơi sáng sớm 29.10, đã bay một cách bất thường trong chuyến bay tối trước hôm xảy ra tai nạn.
Theo dữ liệu của FlightRadar24 - trang chuyên theo dấu hành trình các chuyến bay, trong chuyến bay tối 28.10, chiếc máy bay trên đã gặp "một vấn đề kỹ thuật".
Cụ thể, sau khi cất cánh từ thành phố Denpasar trên đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali của Indonesia, máy bay đã báo cáo về những thất thường về độ cao và vận tốc bay trong vài phút đầu.
Chẳng hạn có một lần giảm độ cao 266,7m khoảng 27 giây sau khi cất cánh bình thường, sau đó đã ổn định độ cao và bay về tới Thủ đô Jakarta an toàn. Tuy nhiên, trong suốt hành trình này, các phi công chỉ duy trì độ cao tối đa là 8.500m, thay vì 11.000m như trong chuyến bay cùng lộ trình trước đó.
Hoạt động tìm kiếm cứu nạn tiếp tục đến tận tối 30.10 - Ảnh: REUTERS
Dữ liệu của FlightRadar24 cũng cho thấy có nhiều bất thường về độ cao và vận tốc của chính chiếc máy bay trên trong chuyến bay sáng hôm sau mang số hiệu JT-610 sau khi cất cánh từ Jakarta.
Khoảng 2 phút sau khi cất cánh, máy bay đạt độ cao 610m, sau đó giảm xuống còn 152 m trước khi tăng lên 1.524m và giữ độ cao này phần lớn thời gian sau đó.
Tuy nhiên, máy bay bắt đầu tăng vận tốc ở những phút cuối và đạt 639 km/h trước khi mất liên lạc khi ở độ cao 1.113m.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia (NSTC) cho biết lúc 6h22 sáng 29.10 (theo giờ địa phương) tức chỉ 2 phút sau khi cất cánh, phi hành đoàn của chuyến bay đã yêu cầu đài kiểm soát không lưu tại sân bay Jakarta cho phép nâng độ cao từ khoảng 500m lên 1.500m do gặp vấn đề về kiểm soát bay. Yêu cầu này đã được chấp nhận, song máy bay đã bị rơi 11 phút sau đó.
Hãng tin Reuters ngày 30.10 dẫn lời ông Haryo Satmiko - Phó Giám đốc NSTC, thông báo đã có các vấn đề kỹ thuật trên chuyến bay JT-610, trong đó có báo hiệu tốc độ.
"Nguyên nhân tai nạn vẫn cần được điều tra rõ ràng và tất cả chúng ta đều đang tò mò về những gì có thể gây ra tai nạn", ông Satmiko nhấn mạnh nhưng không đưa ra thêm chi tiết trong cuộc họp báo.
Các binh sĩ Indonesia kéo xuồng cao su chứa các mảnh vỡ và vật dụng tìm thấy từ chuyến bay JT-610 trên bãi biển Tanjung Pakis ở Karawang ngày 30.10 - Ảnh: REUTERS
Theo Tổng cục vận tải hàng không Indonesia, phi hành đoàn của máy bay cũng đã yêu cầu quay trở về Jakarta trước khi máy bay mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Yohanes Sirait - người phát ngôn của Cơ quan hàng không Indonesia cho biết: "Trạm kiểm soát không lưu chấp nhận yêu cầu đó song đã bị mất liên lạc với máy bay".
Giám đốc điều hành hãng Lion Air, ông Edward Sirait cũng đã xác nhận về một lỗi kỹ thuật xảy ra trong hành trình bay Denpasar - Jakarta nói trên, nhưng khẳng định vấn đề đã được giải quyết "theo đúng quy định".
Chuyến bay Denpasar - Jakarta hạ cánh lúc 22h55 ngày 28.10, và các kỹ sư có 6 giờ rưỡi để sửa lỗi trước khi máy bay bắt đầu hành trình từ Jakarta - Pangkal Pinang lúc 6h20 sáng 29.10.
13 phút sau khi cất cánh, máy bay đã rơi xuống biển cùng toàn bộ 189 người, và có thông tin cho biết khoảng 2 phút sau khi cất cánh phi công đã báo về trục trặc trên máy bay.
Đáng lưu ý là có hai hành khách từng đi trên chuyến bay tối 28.10 viết trên Instagram bày tỏ việc rất lo ngại về các vấn đề liên quan đến hệ thống điều hòa không khí và làm sáng cabin, cũng như nghe thấy tiếng ồn động cơ "kỳ lạ" trong suốt chuyến bay.
Dòng trạng thái trên được đăng tải chỉ gần 3 giờ trước khi chính chiếc máy bay này rơi xuống biển trong hành trình đi từ Jakarta tới Pangkal Pinang. Hiện chưa rõ liệu các vấn đề trong cabin có liên quan đến lỗi kỹ thuật mà ông Sirait đề cập hay không.
Theo phân tích của các phi công và kỹ thuật viên, các dữ liệu của FlightRadar24 về hai chuyến bay trên có thể là một chỉ dẫn về một lỗi nào đó trong các hệ thống đo áp suất tĩnh.
Năm ngoái hãng Lion Air tuyên bố đã đặt mua 50 máy bay Boeing 737 MAX với giá 6,24 tỉ USD. Sự phát triển nhanh của Lion Air cũng dễ hiểu do địa lý của Indonesia với 17.000 đảo lớn nhỏ rất cần loại hình hàng không giá rẻ thay thế cho phương tiện phà thường rất mất thời gian.
Theo Tuổi trẻ