Phim rạp tháng tư nghẹt thở với bảy phim Việt, “Song song” mở màn trong tuần đầu tiên và đối đầu với hai phim đang tranh giải tại hạng mục lớn nhất tại Oscar và phim kinh dị về chủ đề đức tin...
Phim của Nhã Phương ra mắt cùng dịp công chiếu ''Khát vọng đổi đời'' tại Việt Nam. Ảnh: Nhà phát hành
Cuối tuần này là tập hợp của loạt chuyện phim thu hút ở nhiều thể loại, trong đó có phim Việt. "Song song" là phim chuyển thể mang hơi hướm giật gân, có phần "xoắn não", "Cô gái trẻ hứa hẹn" và "Khát vọng đổi đời" đều đề cập các vấn đề xã hội rất đáng chú ý còn "Ấn quỷ" là phim kinh dị mới duy nhất trong tuần.
Các phim đều chính thức ra mắt thứ Sáu ngày 2.4, một số có suất chiếu sớm từ một tới nhiều ngày.
Phim về “hiệu ứng cánh bướm”
“Song song” là sản phẩm thứ hai của đạo diễn trẻ sinh năm 1991 Nguyễn Hữu Hoàng ("Ống kính sát nhân"). Phim lấy chủ đề du hành thời gian và hiệu ứng cánh bướm. Phim là phiên bản Việt hóa của “Ảo ảnh” ("Mirage," 2019) vốn được đánh giá cao về sự hấp dẫn, ý tưởng chặt chẽ với số điểm 7,4 trên trang đánh giá IMDb. Đây là phim mở đầu trong số tổng cộng bảy tác phẩm Việt sẽ lên rạp trong tháng Tư này.
Giữ nguyên 70% cốt truyện của phiên bản gốc, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng đã tập trung vào nhiều yếu tố kinh dị và chọn sắp xếp các tình tiết một cách dễ hiểu hơn để phù hợp với khán giả Việt. Ngoài ra anh cũng làm tăng nhịp độ phim so với "Mirage," thêm vào sự u ám của phim tông màu ám xanh và ánh sáng yếu.
Cuộc đời của nhân vật chính thay đổi hoàn toàn sau cuộc chạm trán với quá khứ. Ảnh: Nhà phát hành
Hiệu ứng cánh bướm là thuyết khoa học thể hiện rằng chỉ một sự đổi nhỏ trong dữ liệu đầu vào có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong kết quả cuối cùng. Trong “Song song,” nhân vật Trang của Nhã Phương đã liên lạc với quá khứ qua chiếc tivi để cứu sống một cậu bé khỏi kẻ giết người sống ở nhà đối diện.
Dù cứu một mạng người nhưng vẫn không tránh khỏi sự thay đổi kinh khủng, Trang đánh mất những thứ quý giá mà cô yêu thương nhất. Cuối phim, nhân vật chính tiếp tục phải lựa chọn để tìm ra đâu thực sự mới là những điều đáng để trân trọng.
“Song song” không có suất chiếu sớm mà sẽ chính thức ra rạp đúng ngày 2.4.
Công chiếu phim ứng cử giải Oscar
Oscar lần thứ 93 năm nay gây chú ý vì loạt phim nhận đề cử Phim hay nhất đều có câu chuyện hoặc nhân vật chính xoay quanh vấn đề sắc tộc, đặc biệt là bản sắc châu Á hay các nhóm người ngoài lề xã hội trên đất Mỹ, sự kiện lịch sử có thật… Trong đó có hai phim được đưa về chiếu tại rạp Việt Nam là “Khát vọng đổi đời” (Minari) và “Cô gái trẻ hứa hẹn” (Promising young woman).
“Khát vọng đổi đời” là một tác phẩm nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà thiếu đi sức nặng. Bộ phim xoay quanh câu chuyện sinh tồn, nỗ lực để tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn cho người thân yêu, đặc biệt ở miền đất mới còn nhiều khó khăn. Dù không có xung đột, xích mích nào giữa các phe phái trong xã hội, phim mang đến những câu chuyện gia đình mà phần lớn khán giả có thể đồng cảm.
Steven Yeun trong ''Khát vọng đổi đời'' (trái) và Carey Mulligan trong ''Cô gái trẻ hứa hẹn'.' Ảnh: Nhà phát hành
Trong khi đó, “Cô gái trẻ đầy hứa hẹn” là tác phẩm đầu tay của nữ biên kịch người Mỹ Emerald Fennell ở cương vị đạo diễn. Phim có sự góp mặt của bông hồng nước Anh Carey Mulligan trong vai một cô gái trẻ đầy hứa hẹn, vì một biến cố khủng khiếp mà từ bỏ tất cả để lăn lộn trong những cuộc trả thù đàn ông.
Đây không chỉ là mối thù hằn đơn thuần với người khác giới sau một cuộc tình không thành mà người xem từng thấy ở nhiều phim giải trí khác. “Cô gái trẻ hứa hẹn” đề cập các vấn đề đã và đang gây nhức nhối trong xã hội toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ và nhận được nhiều lời khen của cả giới chuyên môn lẫn khán giả, gặt hái giải thưởng quốc tế về kịch bản gốc nhờ các tình tiết ly kỳ, hấp dẫn.
Phim cũng không có suất chiếu sớm mà chỉ chính thức ra mắt khán giả Việt từ 2.4.
Phim kinh dị về đức tin
“Ấn quỷ” (The unholy) kể về cô gái khiếm thính Alice bỗng nhiên có thể nghe và nói như bình thường, thậm chí có năng lực sửa chữa những khiếm khuyết trên cơ thể hay bệnh tật của mọi người. Để làm được như vậy, cô sử dụng sức mạnh của quỷ dữ nhưng lại nhân danh đức mẹ đồng trinh Maria để lợi dụng lòng tin của mọi người, đặc biệt là những người mộ đạo.
Một cảnh và tạo hình phản diện trong phim ''Ấn quỷ''. Ảnh: Nhà phát hành
“Ấn quỷ” là phim chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị “Shrine” bán chạy của tác giả James Herber. Nhiều khán giả ưu ái, yêu thích các tác phẩm của ông nên gọi ông là “Stephen King đời mới.” Cuốn sách đề cập đến các chủ đề như cực lạc tôn giáo, sự chữa lành bằng đức tin và sự chiếm hữu của ma quỷ.
Bộ phim có nhiều cú “jump-scare” - hù dọa để tăng độ “thót tim” cùng tạo hình đáng sợ, bí hiểm của các nhân vật trong phim… Tất cả khiến đây là tác phẩm phù hợp cho mục đích giải trí trong dịp cuối tuần cho khán giả của dòng phim này. Phim chiếu sớm từ ngày 1.4.
Theo Vietnam+