Rạo rực chiều ba mươi Tết

04/02/2019 23:39

Trước thời khắc chuyển giao năm mới, lòng tôi thường bời bời những nỗi niềm bâng khuâng khó tả.

Trước thời khắc chuyển giao năm mới, lòng tôi thường bời bời những nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Đó là những chiều ba mươi Tết, cảm xúc dồn nén trong lòng, rạo rực từng khoảnh khắc, từng dấu ấn, hình ảnh của quá khứ, hiện tại và thời tương lai mơ tưởng.

Đi trong nắng vàng chiều ba mươi Tết, bất kể bạn đang ở nơi đâu, xứ người xa lạ hay quê hương yêu dấu cũng thấy lòng mình như hối hả, giục giã chạy đua với thời gian. Chắc cũng bởi lẽ quan niệm được đúc kết từ xưa, khi năm mới ghé sang thì ai ai cũng muốn chuyện công, chuyện tư đều được tươm tất, gọn gàng và đặc biệt không vướng bận. Những lần bận quá, ba mươi Tết tôi vẫn còn ở phố, giải quyết đôi ba công chuyện mới hay những ngày này phố như được khoác lên mình chiếc áo mới tươi trẻ, rực rỡ sắc màu. Là màu hồng phớt của đào, màu quất chín vàng cam in muôn vàn chấm giữa nền lá xanh thẫm. Màu của cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, màu của những gian hàng trưng bày và màu của nhân loại đang tung tăng dạo phố, mua sắm. Phố ồn ào, chật chội nhưng lòng người thì hoan hỉ, vui mừng.

Trong dòng chảy hối hả của thời gian, chiều ba mươi Tết đưa tôi về với những chuyến tàu, chuyến xe ngược hai miền Nam-Bắc xé gió vun vút trôi qua những miền quê yêu dấu. Trên chuyến tàu của chiều muộn, giữa vô số những mặt người xa lạ, nhưng lòng cảm thấy thân quen, như người thân ruột rà, máu mủ. Những lời chúc hanh thông, thành đạt, sức khỏe, làm ăn phát tài phát lộc… được gửi gắm bằng sự chân thành của những người xa xứ làm ấm lòng kẻ độc hành. Trong tâm tưởng của những người con đất Việt, dù bận rộn cỡ nào, dù có ra Bắc hay vào Nam, ngược xuôi trên khắp nẻo thế giới, chiều ba mươi lại nhớ tới quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn. Hạnh phúc đơn giản đôi khi về Tết để được thấy nụ cười của mẹ cha, của vợ con, của đàn em thơ ríu rít. Về với Tết để quây quần xúm xít bên nhau, dọn dẹp cỏ dại, trang trí cửa nhà, sân ngõ sạch sẽ để đón chào năm mới.

Chiều ba mươi Tết của những năm trưởng thành về lại sân quê, thấy bố nhấc tấm cửa gian chính làm nơi gói bánh chưng bỗng thấy hình ảnh của mình thuở thơ bé, lăng xăng phụ giúp bố neo lại dây lạt, sắp xếp chồng bánh vào nồi. Sợi khói ở vườn vương vít vào màu tóc mẹ, trầm quyện hương nhang trên bàn thờ lẫn hương hoa cúc, hoa lay ơn, hoa thược dược khiến mắt của người con xa quê cay xè… Chiều ba mươi Tết ở quê tôi, dẫu đói hay sang bao năm vẫn thế, ấm cúng dăm ba chậu quất, nhành đào, chậu mai, vài cân thịt lợn nấu đông và réo ran từng khúc nhạc xuân.

Có khi chiều ba mươi Tết thôn quê vẫn rậm rịch tiếng cày cuốc, cấy dặm của những người dân lam lũ, áo gụ nâu sòng. Chỉ còn một chiều nay nữa thôi, sang ngày mai, năm mới họ sẽ được nghỉ ngơi, sẽ tạm gác công việc đồng ruộng sang một bên. Xa xa thấp thoáng trên gò cao, cánh đồng, những cụ già dắt díu đàn cháu con trong họ mạc đang tảo mộ, thắp hương khấn vái tổ tiên về “ăn Tết”. Chiều ba mươi Tết như một bức tranh cỡ đại tổng thể cho làng quê Việt Nam với đủ các gam màu sống động về phong tục, văn hóa, sinh hoạt và nhịp sống hối hả.

Năm nào cũng vậy, truyền thống từ lâu, tôi nhớ hồi ông bà tôi còn, nhà tôi vẫn thường lục đục chuẩn bị bữa cơm chiều ba mươi Tết. Mỗi người một việc, người làm gà, người làm gỏi, rửa rau, chuẩn bị bát đũa… quây quần bên nhau. Quan niệm bữa cơm chiều ba mươi Tết được coi là bữa cơm quan trọng nhất trong năm để những người trong gia đình sau một năm tất bật với những lo toan cuộc sống, dù thuận lợi hay khó khăn, buồn vui hay khổ đau mọi người cùng nhau ngồi lại, quây quần để chia sẻ tâm tư, nỗi niềm. Mâm cơm tất niên còn là tục lệ truyền thống rước ông Công ông Táo về lại nhà coi sóc việc bếp núc của gia chủ. Bữa cơm tất niên ngày cuối năm vì thế luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng. Đó cũng là lý do để quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của những con người xa quê mỗi khi xuân về. 

Sau bao nhiêu năm trưởng thành rồi ngẫm ngợi, mới hay rằng chính chiều ba mươi Tết mới làm lòng ta náo nức, bâng khuâng đến lạ kỳ. Nơi mà tình yêu thương, sự bình yên giản dị cứ len lỏi khắp tâm hồn của những người con xa quê hương xứ sở. Dẫu đang ở nơi đâu, thành thị hay nông thôn, chiều ba mươi Tết vẫn là thời khắc giá trị của sự sum vầy, quây quần bên nhau.

TĂNG HOÀNG PHI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rạo rực chiều ba mươi Tết