Y tế - Sức khỏe

Rao bán thuốc đặt phụ khoa như "thần dược", chị em tự mua, tự đặt bất cần bác sĩ

Theo Tuổi trẻ 19/10/2023 11:26

Thị trường gần đây xuất hiện nhiều loại "thuốc đặt phụ khoa" được quảng cáo ầm ĩ có công dụng trị hàng loạt bệnh phụ khoa ở nữ giới. Nhiều người tự mua tự đặt liệu có đúng?

Bác sĩ khuyến cáo nên khám phụ khoa định kỳ - Ảnh: XUÂN MAI

Bác sĩ khuyến cáo nên khám phụ khoa định kỳ

Các chuyên gia khuyến cáo thuốc đặt phụ khoa là chỉ định áp dụng đối với nhiều trường hợp mắc các bệnh lý đường sinh dục ở nữ giới, muốn đặt phải có chỉ định của bác sĩ.

"Thần dược" tự chữa bệnh "đằng âm"?

Các trang mạng xã hội gần đây hiện hàng loạt tài khoản rao bán thuốc đặt phụ khoa có nguồn gốc từ Thái Lan, Hàn Quốc... Tài khoản Facebook K.N. quảng cáo thuốc đặt phụ khoa G. có nguồn gốc từ Thái Lan.

Tài khoản này cho rằng chỉ cần mua, đặt tại âm đạo sẽ có công dụng trị viêm âm đạo, khí hư, ngứa ngáy, có mùi, thậm chí chữa luôn viêm lộ tuyến hay viêm cổ tử cung. K.N. tư vấn cho khách chỉ cần mỗi ngày đặt 1 viên thuốc buổi tối trước khi đi ngủ là sẽ có tác dụng, một liệu trình hai vỉ khoảng 10 viên có giá 150.000 đồng.

Chưa kể nhiều hội nhóm chị em còn giới thiệu giữ sạch "cô bé" bằng cách đặt kén phụ khoa định kỳ. Loại kén phụ khoa được quảng cáo làm sạch "cặn bẩn" trong âm đạo, giúp âm đạo sạch sẽ hơn. Những người này hướng dẫn tự đặt thuốc định kỳ 2-3 tháng/lần. Để tăng độ tin cậy, người bán hàng còn đăng tải hình ảnh "cặn bẩn" được cho là tích tụ trong âm đạo được đào thải sau khi đặt thuốc.

Coi chừng gây viêm nhiễm thêm

Bác sĩ Nguyễn Lệ Quyên (Bệnh viện Từ Dũ) cho biết thuốc đặt phụ khoa được các bác sĩ kê đơn cho người bệnh sử dụng với mục đích điều trị viêm nhiễm phụ khoa và điều trị chứng khô teo âm đạo ở tuổi mãn kinh.

Bác sĩ Diêm Thị Thanh Thủy (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho rằng việc quảng cáo bán và mua thuốc viên đặt phụ khoa qua mạng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Đặc biệt khi người mua tự ý sử dụng mà không biết về tình trạng của bản thân. Theo bác sĩ Thủy, viêm nhiễm phụ khoa là bệnh dai dẳng và rất khó điều trị ở phụ nữ.

"Mỗi loại bệnh có cách điều trị khác nhau, một số bệnh bác sĩ vừa kê đơn viên đặt vừa phải kết hợp các loại thuốc khác. Cũng có loại viêm chỉ cần vệ sinh, thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng thì bệnh cũng sẽ khỏi. Trong khi đó, âm đạo là một ống cơ mặt trong được lát bằng lớp niêm mạc mềm mại, rất nhạy cảm và có khả năng tự bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh. Nếu người phụ nữ tự ý đặt thuốc vào âm đạo sẽ vô tình thay đổi môi trường âm đạo gây viêm nhiễm. Đặc biệt, các thuốc không rõ thành phần hay công dụng mà đặt vào có thể làm tổn thương niêm mạc âm đạo, xa hơn nữa có thể gây ung thư âm đạo", bác sĩ Thủy cảnh báo.

"Cô bé" rất nhạy cảm, không tùy tiện đặt thuốc

"Viêm âm đạo được điều trị sớm và kịp thời sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ngược lại, tự điều trị hoặc tự ý mua thuốc sẽ dễ xảy ra tình trạng viêm cấp tính hoặc mạn tính", bác sĩ Tạ Việt Cường (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Lệ Quyên thông tin thêm các thuốc đặt âm đạo điều trị viêm nhiễm phụ khoa sẽ có thành phần kháng sinh hoặc kháng nấm nên phải dùng đúng liều, nếu dùng quá liều có thể làm kháng thuốc, kéo dài thời gian điều trị dẫn đến tăng chi phí điều trị và gây khó chịu.

"Lưu ý chỉ đặt thuốc theo đúng toa thuốc mà bác sĩ đã kê đơn, không tự ý mua thuốc để đặt vì sẽ có nguy cơ xảy ra tác dụng ngược", bác sĩ Quyên nói.

Vệ sinh "cô bé" đúng cách

Theo bác sĩ Tạ Việt Cường (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), để bảo vệ vùng kín, chị em có thể vệ sinh vùng kín ít nhất hai lần/ngày hoặc sau khi đi vệ sinh bằng nước sạch, không dùng xà phòng. Luôn giữ cho vùng kín khô ráo, nếu thấy quần lót ẩm ướt thì cần thay ngay. Đặc biệt vào thời điểm như kỳ kinh nguyệt, sau sinh nở sau tối đa 4-6 tiếng phải thay băng vệ sinh một lần.

Theo bác sĩ Cường, có hai thói quen chăm sóc vùng kín dễ khiến chị em bị viêm phụ khoa là dùng vòi xịt rửa và lau khăn. Việc rửa nước vào âm đạo tưởng rất sạch nhưng thực tế lại đẩy ngược chất bẩn, vi khuẩn lên trên tử cung. Thói quen rửa "tiến sâu" trong âm đạo có thể khiến vi khuẩn tăng cao, xâm nhập vào buồng tử cung, vòi tử cung, gây viêm phần phụ, viêm dính vòi tử cung.

Ngoài ra, việc dùng khăn lau cũng phải chú ý, không nên dùng khăn lau để trong nhà tắm hoặc dùng chung khăn với nhiều người. Việc khăn lau không đảm bảo khô, sạch sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn và nấm phát triển khiến bạn dễ bị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn.

Theo Tuổi trẻ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rao bán thuốc đặt phụ khoa như "thần dược", chị em tự mua, tự đặt bất cần bác sĩ