Trong số các vi phạm đê điều xảy ra ở huyện Nam Sách, tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp lên mái đê, mặt đê đang là vấn đề bức xúc nhất.
Bông sợi bị đốt cháy trên tuyến đê hữu sông Kinh Thầy đoạn qua xã Cộng Hòa
Khó bắt giữ
Xã Minh Tân có tuyến đê tả sông Thái Bình chạy qua. Tình trạng tập kết, đổ trộm rác thải ra mái đê, mặt đê diễn ra trong nhiều tháng qua. Sau khi đổ trộm, các đối tượng còn đốt rác gây hư hại mặt đê bê tông. Chính quyền địa phương đã dùng nhiều biện pháp song vẫn không xác định, xử lý được đối tượng nào. Khoảng tháng 3 vừa qua, các đối tượng lợi dụng đêm tối dùng ô tô đổ trộm 55 can nhựa chứa hóa chất xuống đê. Sau khi phát hiện, chính quyền địa phương đã báo cơ quan chức năng để thu gom xử lý. Hiện vụ việc đang được lực lượng công an huyện vào cuộc điều tra, xác minh.
2 km đê hữu sông Kinh Thầy chạy qua xã Thanh Quang cũng trở thành nơi tập kết, đốt rác thải công nghiệp. Đầu năm 2019, một số đối tượng đã chở vải vụn đổ xuống mặt đê hữu sông Kinh Thầy rồi châm lửa đốt. Vụ việc xảy ra trong đêm nên sáng hôm sau khi chính quyền địa phương phát hiện thì thủ phạm đã cao chạy xa bay. Chủ tịch UBND xã Thanh Quang Nguyễn Xuân Thảo cho biết để đối phó với nạn khai thác cát trái phép và ngăn chặn, xử lý tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp ra các tuyến đê trên địa bàn, xã đã thành lập riêng tổ tuần tra, mật phục. Tuy nhiên các đối tượng lợi dụng đêm tối vắng người dùng ô tô đổ trộm rác rồi nhanh chóng chạy thoát nên việc phát hiện, bắt giữ, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Huyện Nam Sách có 3 tuyến đê với tổng chiều dài hơn 39 km chạy qua địa bàn hàng chục xã. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Nam Sách, tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp ra đê chủ yếu xảy ra ở các xã: Nam Tân, Cộng Hòa, Thanh Quang, nhiều nhất là ở xã Minh Tân. Các loại rác thải công nghiệp đổ trộm ra đê chủ yếu là vải vụn, nhựa, cao su và các can chất thải dạng dung dịch. Các đối tượng thường cho các loại rác thải này vào bao, sau đó chở đến đoạn đê vắng đổ thành đống rồi châm đốt.
Quyết tâm xử lý
Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách cùng các cơ quan chức năng của huyện và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm kiên quyết xử lý các vi phạm trên. Hạt Quản lý đê phối hợp với UBND các xã có đê bố trí lực lượng kiểm tra và vây bắt các ô tô đổ trộm rác thải công nghiệp. Các xã có đê đặt hộp thư thông tin nhanh và cung cấp số điện thoại để người dân ven đê thông báo kịp thời cho cán bộ quản lý đê và chính quyền địa phương xử lý khi có xe đổ trộm rác công nghiệp. Hạt Quản lý đê huyện cũng phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền tới người dân về việc không xả rác thải sinh hoạt ra thân đê. Các xã bố trí lực lượng thu dọn các bãi rác phát sinh, xử lý người dân vứt rác ra đê.
Xã Cộng Hòa có 8 km đường đê. Ông Nguyễn Hữu Thông, Trưởng Công an xã Cộng Hòa cho biết trước đây, trung bình mỗi tháng các đối tượng đổ trộm rác thải công nghiệp xuống tuyến đê của xã từ 1-2 lần, mỗi lần khoảng chục m3 vải vụn, xốp, cao su. Địa phương phải thuê máy xúc, nhân công thu gom, tiêu hủy rất tốn kém. UBND xã phải bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra và vây bắt khi phát hiện có người đổ trộm rác thải ra đê. Sau nhiều lần kiên quyết xử phạt, đến nay tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp trên tuyến đê của xã Cộng Hòa đã cơ bản chấm dứt.
Tuy nhiên, tình trạng này ở một số địa phương khác vẫn rất bức xúc. Để ngăn chặn, xử lý tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp, UBND huyện Nam Sách đã chỉ đạo các xã có đê phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực, tuần tra, phát hiện báo cáo kịp thời và phối hợp với lực lượng chức năng của huyện kiên quyết xử lý các trường hợp đổ trộm rác ra đê. Huyện Nam Sách cũng dự kiến bố trí công an chính quy về các xã có đê để tăng cường lực lượng đối phó hiệu quả với nạn đổ trộm rác thải công nghiệp ra đê.
NGỌC HÙNG