Từ vụ tai nạn chìm ca nô làm 17 người tử vong ở Quảng Nam, ý kiến nhiều bạn đọc cho rằng, cần xem xét khâu đảm bảo an toàn trong vận tải du lịch trên biển.
2 ngày đêm cứu nạn
Khoảng 14 giờ ngày 26.2, ca nô Phương Đông 05 chở khách du lịch từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam). Khi cách bờ khoảng 3km, ca nô gặp dòng nước cản, bị lật.
Lúc này trên phương tiện có 39 người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em (36 khách du lịch, 1 lái ca nô, 2 phục vụ). Diễn biến quá nhanh và bất ngờ khiến nhiều người không kịp trở tay.
Ngay sau đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam cùng các lực lượng chức năng và người dân địa phương dốc sức cứu người gặp nạn trong điều kiện sóng lớn, gió mạnh…
Trên bờ, rất đông người dân, thân nhân các nạn nhân theo dõi các tàu cập bờ với hy vọng người gặp nạn được bình an. Hàng dài xe cấp cứu cũng túc trực để đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại đã cướp đi sinh mạng 17 người, trong đó có cả trẻ em |
Hơn 16 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã đưa vào bờ được 35 người, trong đó 22 người được cứu sống, 13 người tử vong và 4 người còn mất tích.
Dù thời tiết xấu, các lực lượng chức năng vẫn nỗ lực xuyên đêm tìm kiếm người mất tích…
Đến khoảng 1 giờ 20 sáng 27.2, thêm 2 thi thể được tìm thấy. Khu vực tìm kiếm những nạn nhân còn lại cũng được mở rộng hơn. Khuya cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện thêm thi thể một bé gái nằm kẹt trong ca nô chìm dưới biển Cửa Đại.
Khoảng 14 giờ chiều 28.2, nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm ca nô được tìm thấy khi mắc kẹt ở bãi đá. Thi thể được tìm thấy là cháu Nguyễn Minh Q. (3 tuổi, quê Hà Nội).
Huy động tổng lực
Ngay khi xảy ra vụ việc, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký công điện yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh huy động mọi phương tiện, nhân lực để tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện trong vụ tai nạn. Đồng thời bố trí điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương…
Lực lượng chức năng huy động tổng lực người và phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân gặp nạn |
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi xảy ra sự việc các đơn vị đã huy động tổng lực để cứu các nạn nhân sớm nhất. Lực lượng chức năng cũng lập ngay Ban chỉ huy tại Đồn biên phòng Cửa Đại để tổ chức tìm kiếm các nạn nhân.
“Khoảng 400 người và gần 40 phương tiện gồm ca nô du lịch, tàu cứu hộ của Biên phòng Cửa Đại, Quân khu 5, tàu cảnh sát biển, tàu cá của ngư dân tổ chức tìm kiếm trên phạm vi 3km. Trực thăng Sư đoàn 372 cũng được huy động để tìm kiếm người còn mất tích” - Đại tá Nam nói.
Vẫn theo Đại tá Nam, khu vực ca nô gặp nạn có sóng lớn nên lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác tìm kiếm. Tuy nhiên, theo ông, lực lượng tìm kiếm xác định phải tìm xuyên đêm với hy vọng sớm thấy các nạn nhân mất tích. Đồng thời, bảo đảm an toàn cho cán bộ chiến sĩ…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, ngay khi vụ việc xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hạn chế thấp nhất rủi ro về người và hỗ trợ tốt nhất cho các gia đình có nạn nhân tử vong. Song song với công tác chỉ đạo, phối hợp tìm kiếm nạn nhân mất tích - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Phụ nữ đã động viên kịp thời, chăm lo về cơ sở vật chất, thuốc, chỗ ăn nghỉ...cho người thân các gia đình.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam bố trí phương tiện đưa thi thể các nạn nhân tử vong về quê an táng |
“Với những gia đình có nạn nhân tử vong, từ khám nghiệm tử thi, hỏa táng (với những gia đình yêu cầu) đến phương tiện đưa về quê tỉnh đều đáp ứng để động viên tinh thần phần nào cho các gia đình. Phương tiện hỗ trợ đưa thi thể, hài cốt các nạn nhân xấu số về quê được bố trí ô tô với những tỉnh gần, và máy bay với những nạn nhân ở xa. Người nhà yêu cầu gì UBND tỉnh đều đáp ứng, bởi mất người là nỗi mất mát quá lớn...", ông Bửu chia sẻ.
Rà tìm lỗ hổng, đánh giá lại mức độ an toàn
Ông Nguyễn Tấn Hiệp (50 tuổi, trú TP Hồ Chí Minh) là hành khách may mắn thoát chết nhưng có vợ tử nạn lần này cho rằng, lúc ca nô xuất bến thì biển động, trời nhiều mây và có sóng lớn. Càng gần bờ thì sóng càng lớn.
Đồng quan điểm, em Nguyễn Xuân Huy (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) kể, lúc ca nô rời Cù Lao Chàm vào Cửa Đại có sóng lớn đánh mạnh vào ca nô nhưng không ai nghĩ tai nạn thảm khốc lại xảy ra…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện có 43 doanh nghiệp vận tải đăng ký đang khai thác 130 ca nô du lịch vận chuyển khách từ cảng Cửa Đại đi đảo Cù Lao Chàm.
Sự cố chìm ca nô đã để lại nỗi đau quá lớn |
Theo ông Sơn, trước đây, ca nô chở khách là loại mui trần, không đóng kín, chỉ có mái che. Vì vậy, trong quá trình di chuyển thường bị nước tạt vào có thể làm du khách bị ướt, nên được nâng cấp ca nô đóng kín.
“Thảm nạn lật ca nô du lịch xảy ra chiều 26.2 dù tất cả hành khách đều mặc áo phao, nhưng thiết kế ca nô du lịch lại đóng kín bằng mái kiên cố, có kính che chung quanh nên nạn nhân không thoát ra được...” – lời ông Sơn.
Thiết kế ca nô này được triển khai từ năm 2018 để đáp ứng khai thác khách từ cảng Cửa Đại ra vào Cù Lao Chàm. Đó là cấp tàu SB, có thể khai thác tối đa lên đến 40 khách, đóng kín bằng mái kiên cố, che kính, chỉ có một lối ra vào phía trước…
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được điều tra. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra điều kiện xuất bến của các tàu du lịch từ Cửa Đại ra Cù Lao Chàm…
Chiếc ca nô chở 39 người bị chìm ở biển Cửa Đại |
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng lưu ý, tai nạn ở biển Cửa Đại là đặc biệt nghiêm trọng, đây cũng là bài học để đánh giá lại an toàn của hệ thống hàng hải quốc gia.
“Khi nghe thông tin báo cáo, tôi thật sự không tin khi nghe được có đến từng ấy người chết, tôi thực sự đau xót.
Từ sự việc này, đề nghị tỉnh Quảng Nam kiểm tra độ an toàn của toàn bộ phương tiện tàu thuyền, tăng cường khả năng quan trắc, đảm bảo an toàn luồng tuyến. Đây là vấn đề cần nghiên cứu trong thời gian đến. Cần rà soát lại toàn bộ hệ thống hàng hải để cải thiện độ an toàn, linh hoạt luồng tuyến”, ông Hùng nói.
Nguyên nhân vụ lật ca nô dẫn đến cái chết thương tâm của 17 người vẫn đang chờ kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, từ đề nghị của Ủy ban ATGT quốc gia, việc cần làm là rà soát lại toàn bộ hệ thống hàng hải, đặc biệt là khâu vận hành, giám sát để nhận diện bất cập, rà tìm lỗ hổng, nâng cấp độ an toàn cho từng chuyến tàu xuất bến.
Theo Vietnamnet