“Ra ngõ ngóng mây” trải cõi lòng

06/01/2013 05:57

50 bài trong tập thơ “Ra ngõ ngóng mây” (Nhà xuất bản Văn học, quý 3-2012) của Nguyễn Thị Việt Nga, dù viết về tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, hay mẹ con, bè bạn, rộng ra là quê hương, đất nước với những danh nhân, danh thắng đã đi vào lịch sử, thì vẫn đằm sâu suy tư, trăn trở, man mác tiếc nuối và đậm tính triết luận. Bài “Đối thoại với Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Yên Tử” thể hiện rõ sự tìm tòi cách viết, thoáng và gợi, đặc chất “phóng sự-thơ”, có hỏi, có trả lời tách bạch. Qua đó, người đọc có thể thấy tấm lòng cao thượng, ý chí sắt đá của vị Hoàng đế bỏ Kinh đô về ẩn dật nơi núi rừng trước sự nhớ thương của hàng trăm cung tần mỹ nữ. Đặc biệt câu hỏi và trả lời ở khổ cuối bài gói trọn triết lý Phật tại tâm, rộng ra là điều THIỆN, mà ngày nay chúng ta đang gắng noi theo:
- Nhưng còn muôn họ chưa yên
Sao vua lại chọn cõi thiền gửi thân?
- Thời nào cũng có bão dông
Bao nhiêu tai ách trong lòng mà ra
Đừng mong ai cứu được ta
Tự tâm yên ổn ắt là đời yên…


Giọng thơ khỏe khoắn, tỉnh táo, giàu sức liên tưởng, đậm chất trí tuệ, dễ gợi suy tư trong người đọc, nhưng dường như lại thiếu chất men say làm mê đắm lòng người. Người đọc dễ thấy điều đó không chỉ ở những bài mang đậm thế thái nhân tình, như “Ghi ở thành cổ Quảng Trị”, “Đối thoại với Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Yên Tử”, “Với Huế”, “Gặp Nguyễn Trãi ở Côn Sơn”, mà còn ở những bài thơ tình cũng rất ít thấy giọng sướt mướt, uốn éo dáng nọ vẻ kia như hay gặp trong thơ của không ít tác giả trẻ. Ở bài “Anh đã đến phải không?”, ngay cái tít đã như chạm vào thần kinh ngờ vực, và lập tức sau đó suốt bốn khổ thơ đều được mở đầu bằng câu “Anh đã đến phải không?”, đến đỉnh điểm là bảy câu trong khổ cuối thì có đến bốn lần nhắc đi nhắc lại câu hỏi như có, lại như không, vừa thật, lại vừa ảo, đến không thể tin là anh đã đến, mặc dù: “Anh đã đến phải không?/Nắm tay em thật chặt/Nụ hôn còn ngây ngất/Bốn bề còn ngát hương”. Hoặc ở bài “Thơ ru anh ngủ”, giọng thơ chầm chậm như khe khẽ đếm ngoài kia bao nhiêu là hoa, là tiếng chim ca, tia nắng đẹp lặng lẽ diễn ra, còn trong này là lời ru êm ái của em, chỉ với một câu “Ngủ đi, ngủ đi anh” được nhắc đi nhắc lại tới bốn lần trong bài thơ ngũ ngôn với năm khổ ngắn thật da diết, xoáy vào lòng người: “Ngủ đi, ngủ đi anh/Đừng âu lo gì nhé/Ngủ đi anh, ngủ ngon/Thác ghềnh rồi qua hết/Bao nhiêu là mỏi mệt/Tình yêu hóa giải rồi”. Thì ra, tình yêu bao giờ cũng là phép nhiệm màu tạo hóa ban cho con người, dù giận hờn, nghi kỵ gì chăng nữa, một khi trong lòng đầy ắp yêu thương, độ lượng và bao dung thì vẫn hóa giải hết.

Thơ Nguyễn Thị Việt Nga là thế, không ồn ào, vồ vập,  không gây bất ngờ với người đọc bằng những câu chữ lạ, nhưng hiện rõ một lối viết xúc cảm, sâu đằm, suy tư và trách nhiệm. Đọc thơ mà như thấy tâm trạng, nỗi niềm người viết trước nhân tình, thế thái. Một tâm trạng của người đi lễ chùa, nhìn ông Thiện, ông Ác mà lòng nặng suy tư với bao ngổn ngang của cõi đời ngoài kia: "Ông Thiện cười hiền lành/Vành tai tiền lẻ giắt/Ô kìa trong đất Phật/Gốc cây cũng ngập tiền/Phật cứ ngồi an nhiên/Nhìn chúng sinh lộn xộn/Nghe chúng sinh thỏa thuận/Những điều ngoài kệ kinh”. Ngay cả bài thơ chị viết cho con cũng đầy tâm trạng của một người mẹ dự cảm hết trên đường con đi không phải ở đâu và chỗ nào cũng dễ dàng, bằng phẳng, mà: “Bởi vì nhiều khi nước mắt/Lại rơi từ những trùng phùng/Nhiều khi tiếng cười như ngọc/Bật từ cay đắng rưng rưng” (Nói với con)...

Thơ Nguyễn Thị Việt Nga dù viết về cái riêng tư hay cái chung của mọi người cũng luôn dạt dào cảm xúc, nặng trĩu suy tư, đằm sâu da diết; nhưng đôi khi thơ chị có phần tỉnh quá nên thiếu đi sự dịu dàng, êm ái đến say lòng, mà với một tác giả nữ vốn là lợi thế. Sự sắp xếp các bài trong tập thơ dường như chỉ theo thời gian sáng tác chứ không theo mạch chủ đề, nên có phần khó cho người đọc muốn hệ thống lại các mảng thơ. Dẫu vậy, “Ra ngõ ngóng mây” vẫn là một tập thơ đáng khích lệ.

CAO NĂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Ra ngõ ngóng mây” trải cõi lòng