Dế Mèn của sân khấu Lệ Ngọc vẫn có những nét riêng, trước hết là việc chủ yếu xoay quanh những bài học đầu đời của chàng Dế Mèn mà không đi quá sâu vào phần “phiêu lưu ký” phía sau.
1. Tối 3.4 vở kịch thiếu nhi Dế mèn của sân khấu Lệ Ngọc (phóng tác từ Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài) đã có buổi ra mắt chính thức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chỉ hơn 3 tuần kể từ khi dàn dựng.
Dế Mèn là sự kết hợp của tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng và ê-kíp diễn viên sân khấu Lệ Ngọc… Dựa trên cốt truyện mộc mạc, thân quen của nhà văn Tô Hoài, vở kịch đã được thêm vào nhiều chi tiết vui nhộn, thú vị, lời thoại mang tính hiện đại để giúp người xem dễ tiếp cận.
Đặc biệt, sáng tạo độc đáo của ê kíp làm vở còn gắn với việc bổ sung và tô đậm vai trò của nhân vật mẹ Dế Mèn so với nguyên tác. Xuất hiện không nhiều, bóng dáng của bà vẫn in suốt vở diễn, ở cạnh Dế Mèn trong mọi lúc khó khăn để truyền đi thông điệp về lòng yêu thương và tình mẫu tử. Bà từng dặn con: "Đường đời lắm chông gai mà bước đường tiếp theo sẽ không có mẹ bên cạnh. Hãy nhớ lời mẹ, sự kiêu hãnh thái quá trong cuộc đời đôi khi luôn phải trả giá đắt".
Sử dụng khá khéo léo ngôn ngữ 9x nhưng không “lạc nhịp”, kết hợp các nghệ thuật múa rối hay lối diễn ước lệ của sân khấu truyền thống, Dế Mèn đã từ trang giấy của nhà văn Tô Hoài bước lên sân khấu một cách khá nhuần nhuyễn và sinh động. Nguyễn Văn Vỹ (24 tuổi), một bạn trẻ tham dự buổi công diễn, chia sẻ với người viết: “Mình thấy vở diễn khá hay, có sự độc đáo và thân thuộc với trẻ nhỏ, nhưng cũng có những ý nghĩa nhân văn, những điểm mới lạ thu hút người xem hơn. Dù đã từng đọc truyện nhưng xem kịch, mình vẫn thấy có một cái gì đó rất khác”.
Không chỉ các em nhỏ, một khán giả 24 tuổi như Nguyễn Văn Vỹ cũng hào hứng tới xem vở diễn
2. “Trong nhiều lớp nghĩa từ nguyên tác, bản thân trường đoạn được dựng đã có đủ sức hút riêng để khai thác trong toàn bộ vở diễn. Đó là bài học đầu đời sâu sắc nhất để tạo ra tính cách của Dế Mèn sau này: Tránh lối sống vô cảm và thói kiêu ngạo ích kỷ, biết trân trọng tình yêu thương và các mối quan hệ với bè bạn, với gia đình là làm nền móng sau này” - đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
“Với các em nhỏ đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, tôi nghĩ đó cũng là bài học đầu đời và trực diện cho các em”.
Như lời đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng, ngoài cái khó từ việc Dế Mèn phiêu lưu ký là câu chuyện mà đa phần trẻ em từng đọc, từng thuộc (và còn được đưa vào sách giáo khoa), băn khoăn của người dựng vở còn nằm ở sự khác biệt về lứa tuổi - khi mà thế hệ trẻ hiện tại vốn có quá nhiều thứ để xem, để chơi, thay vì quan tâm tới sân khấu truyền thống. Để rồi, với anh, lời giải cho bài toán ấy cuối cùng vẫn nằm ở việc chọn một cách dàn dựng gần gũi, tự nhiên, hướng về những giá trị cơ bản nhất. “Tôi tin, câu chuyện về những cảm xúc rất đời thường sẽ có ích và đủ cuốn hút các em hơn bất kì lời răn dạy đao to búa lớn nào”.
Bản thân việc chọn Nhà hát Lớn Hà Nội để ra mắt vở diễn cũng đã cho thấy sự đầu tư và “chịu chơi” của đơn vị xã hội hóa này. Như quan sát của người viết, từ nửa tiếng trước giờ biểu diễn, lượng khán giả tới đây - đa phần là các em nhỏ - đã tràn ngập tiền sảnh và vui vẻ chụp hình check-in cùng đội ngũ diễn viên trong trang phục của vở.
Đặc biệt, song hành với vở diễn, Sân khấu Lệ Ngọc cùng Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP Hà Nội, Đại sứ môi trường toàn quốc Nguyễn Như Khôi cũng phát động Cuộc thi vẽ “Bí kíp luyện côn trùng” cho các em, như một trong những giải pháp để tăng thêm sự tương tác giữa khán giả và sân khấu.
Ngoài 2 đêm diễn vào tối 3 và 4.4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Dế Mèn đã có lịch biểu diễn liên tục 10 buổi trong 5 ngày kể từ 6.4 - một con số mà các đơn vị nghệ thuật đều đánh giá cao trong bối cảnh bây giờ... |
Theo Thể thao & Văn hóa