Quyết tâm xây dựng đô thị thông minh và đáng sống ở Hải Dương

10/11/2016 14:53

Sáng 10-11, UBND tỉnh phối hợp với Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) tổ chức Hội thảo “Giải pháp tổng thể xây dựng đô thị thông minh” trong tương lai.



Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển chủ trì hội thảo

Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tới dự.

Chuyên gia hiến kế

Mô hình đô thị thông minh (ĐTTM) đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm xây dựng. Theo viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty AIC, với mô hình ĐTTM, người dân Hải Dương sẽ được hưởng thụ các dịch vụ thuận tiện, môi trường trong sạch, kết nối cao, khỏe mạnh và an toàn.

Ông Vũ Hoàng Giang, chuyên gia Tập đoàn Microsoft (Mỹ) cho rằng trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử, Hải Dương cùng nhiều địa phương khác trong cả nước cần quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng các dịch vụ liên quan công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và điều hành. Qua đó để cung cấp dịch vụ công hiệu quả. Khi Hải Dương thực hiện mô hình ĐTTM, các ứng dụng CNTT sẽ giúp các cấp lãnh đạo đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác.

Ông Tony, chuyên gia đến từ Australia đánh giá Hải Dương hội tụ đầy đủ các điều kiện để xây dựng ĐTTM, nhất là việc xây dựng một nền giáo dục thông minh. Công nghệ sẽ giúp phụ huynh, giáo viên, học sinh kết nối với nhau dễ dàng hơn. Ông Tony đề xuất Hải Dương nên xây dựng mô hình trường học “6 chữ i”. Mô hình này đã được ứng dựng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Mô hình giúp học sinh học theo nhu cầu. Việc dạy và học có tính tương tác cao. Đặc biệt, mô hình này giúp nhà trường chia sẻ  với phụ huynh học sinh nhiều hơn, thuận tiện hơn những vấn đề liên quan đến học đường.

Chuyên gia của Nhật Bản cho rằng mặc dù hiện nay các bệnh viện của Hải Dương đã bước đầu ứng dụng CNTT vào khám, chữa bệnh, quản lý và điều hành nhưng chưa hiệu quả. Mô hình bệnh viện thông minh sẽ tạo ra một không gian thân thiện, tiện ích. Đáng chú ý là không gian phòng bệnh sẽ được xây dựng tiện nghi để người bệnh có cảm giác tốt nhất trong quá trình điều trị. Bệnh viện thông minh có hệ thống cấp thuốc tự động. Các thông tin trong lĩnh vực y tế như ngân hàng máu, bệnh án, loại thuốc… cũng sẽ được lưu trữ vào một hệ thống dữ liệu dùng chung để chia sẻ giữa các bệnh viện với nhau. Mô hình giúp hạn chế sai sót trong khám, điều trị cho bệnh nhân.

Đề xuất giải pháp cụ thể cho Hải Dương về lĩnh vực giao thông, chuyên gia đến từ Singapore cho biết tại TP Hải Dương, quá trình thực hiện nên phân thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, tỉnh sẽ nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu thích ứng với tình trạng giao thông; nâng cấp hệ thống camera giám sát và hệ thống xử lý vi phạm... Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên bản đồ điện tử. Nhờ đó, lực lượng chức năng có thể điều tiết giao thông hợp lý.

Giải pháp môi trường được thực hiện trên cơ sở kết nối đồng bộ CNTT để xác định lượng rác tại các địa điểm nhất định và điều hành việc thu gom rác hiệu quả. Đặc biệt, việc kết nối thông tin từ các điểm đổ rác đến các nhà máy xử lý, tái chế giúp quy trình xử lý rác được triệt để. Chuyên gia của Đức cho biết ứng dụng CNTT vào lĩnh vực môi trường cũng sẽ giúp Hải Dương quản lý nguồn tài nguyên đất đai được tốt hơn. Các hoạt động như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ hiện trạng sử dụng đất đều được thực hiện và quản lý trực tuyến.
Ngoài các giải pháp phát triển ĐTTM trên, các chuyên gia của Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản đưa ra các nội dung liên quan đến các vấn đề về khoa học - công nghệ; phòng cháy, chữa cháy; nông nghiệp và xây dựng theo mô hình thông minh...



Chuyên gia của Đức phát biểu tại hội thảo

Xu thế tất yếu

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực tại tỉnh Hải Dương, các chuyên gia cho rằng ngay lúc này Hải Dương cần nghiên cứu để sớm ứng dụng mô hình ĐTTM. Việc ứng dụng sẽ giúp địa phương phát triển bền vững, tương xứng với vai trò thành phố vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, tam giác kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc. Các giải pháp này giúp Hải Dương xây dựng các đô thị năng động, xanh, hiện đại, tiết kiệm năng lượng; giúp Hải Dương gắn kết với các thành phố lớn trong vùng, tạo cho các đô thị của Hải Dương sức hấp dẫn riêng.   

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định việc xây dựng một ĐTTM là rất cần thiết. Trong đó, CNTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, có tác động tích cực đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và con người trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác này ở các địa phương. Hải Dương cũng tích cực ứng dụng CNTT trong xử lý công việc, cải cách thủ tục hành chính. Mô hình chính quyền điện tử cũng đã từng bước được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của CNTT trong xử lý công việc khoa học, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy yêu cầu sau hội thảo này, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, giáo dục thông minh cần phải thực hiện đầu tiên bởi đây là nhân tố quyết định đến sự thành, bại của việc xây dựng ĐTTM.

Lĩnh vực y tế cũng cần được đặc biệt coi trọng. Y tế thông minh giúp người dân được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất. Tiếp đó là lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Áp dụng công nghệ sẽ giúp các cơ quan chuyên môn của tỉnh kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc xây dựng nông nghiệp thông minh cần được quan tâm đầu tư thích đáng bởi đây chính là cách để người dân Hải Dương được sử dụng những nông sản an toàn, chất lượng tốt. Đây cũng là biện pháp giúp tỉnh phát huy được những tiềm năng về nông nghiệp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá lại hiện trạng ứng dụng CNTT của cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, tham mưu cho tỉnh lựa chọn một số mô hình phù hợp. “Tôi cho rằng, việc xây dựng một ĐTTM là việc cần làm và xu hướng tất yếu trong tương lai. Do đó, cần có sự vào cuộc tích cực, tiên phong của lãnh đạo các sở, ngành và địa phương của tỉnh”, đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển nói.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia, trao đổi tại hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị các chuyên gia và Công ty AIC tiếp tục nghiên cứu, khảo sát về mô hình ứng dụng CNTT ở một số lĩnh vực của Hải Dương. Các lĩnh vực có tác động lớn đến cuộc sống người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cần đề xuất các biện pháp cụ thể. Những cam kết của công ty về hỗ trợ học bổng, dịch vụ y tế và giáo dục cần được thực hiện ngay trong tháng 11 này. "Hải Dương quyết tâm xây dựng ĐTTM trong thời gian tới để nơi đây trở thành đô thị muốn sống và đáng sống", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết tâm xây dựng đô thị thông minh và đáng sống ở Hải Dương