Chị từng nói với chồng “gốc gác là thứ con người ta không bao giờ quên được”. Chị thấy sợ cái quan niệm phụ nữ lấy chồng là phải thay đổi tất cả để hòa hợp với nhà chồng.
Chị yêu mẹ. Yêu đến mức chị từng nghĩ làm sao có thể gọi một ai đó khác là “mẹ”- tiếng gọi thiêng liêng và ấm áp. Đi lấy chồng, gọi mẹ chồng là mẹ. Thêm một người mẹ nhưng lòng không thấy đầy lên mà chỉ thấy vơi đi. Là trong bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, ai đó nói bâng quơ mà như nhắc nhở mình “phận gái theo chồng, nhớ thương gửi lại mẹ cha”. Đường về nhà bỗng nhiên quá xa. Bởi muốn về nhà mấy hôm cũng phải xem thái độ của bố mẹ chồng. Mua đồng quà tấm bánh cho mẹ đôi khi phải dấm dúi giấu chồng. Muốn ở chơi lâu lâu mà chợt nhớ lúc bước chân ra khỏi nhà mẹ chồng tỏ thái độ không vui. Đến chồng cũng buông câu “thuyền theo lái gái theo chồng. Em có về cũng chỉ là khách quý trong nhà”.
Chồng chị lấy vợ về là muốn “xóa dấu vết” trong đầu vợ. Đầu tiên là giục vợ cắt khẩu ở nhà bố mẹ đẻ để nhập khẩu nhà mình. Sau đó thấy vợ có đồ đạc gì quý giá còn để ở nhà mẹ là giục mang về nhà mình. Hồi mới cưới, có mấy cây vàng chị gửi lại nhà mẹ mà chồng cứ hậm hực. Bạn gửi về cho ít thuốc bổ còn chưa kịp mang về biếu bà ngoại thì chồng đã bảo “Bà nội dạo này cứ hay kêu mệt mỏi. Em đưa bà uống thử xem sao”. Có ít rượu thuốc chữa đau lưng, chị tính sẽ chắt ra một lít biếu ông ngoại nhưng chồng đã mang ra đãi anh em bên nội hết tự lúc nào. Thỉnh thoảng chị thấy ví mình có ai đó động vào. Lúc chuyện vui với bạn bè chồng nửa thật nửa đùa: “Các bà vợ bây giờ rất hay giấu quỹ đen mang về gửi mẹ”.
Chị thuộc tuýp đàn bà biết an ủi chính mình. Đọc thấu những ý nghĩ của chồng chị có buồn, có tủi nhưng không xuôi theo kiểu “ừ thì… phận gái theo chồng”. Chị từng nói với chồng “gốc gác là thứ con người ta không bao giờ quên được”. Chị thấy sợ cái quan niệm phụ nữ lấy chồng là phải thay đổi tất cả để hòa hợp với nhà chồng. Là có nhớ cha mẹ đẻ cũng phải giấu trong lòng. Là phải quen với việc thương thầm khóc vụng. Với chị máu mủ ruột già vẫn luôn là sợi dây gắn kết bền chặt nhất. Đi lấy chồng đồng nghĩa với việc ít có thời gian bên người thân hơn. Nhưng ngày nào chị cũng điện về nhà. Gọi về để xem khớp mẹ đỡ đau chưa? Bố dạo này ăn cơm có còn hay nấc nghẹn? Chồng có lần hỏi chị: “Ngày nào em cũng điện về nhà mà vẫn có chuyện để nói à?”. Có chứ sao không. Đôi khi chỉ cần nghe thấy giọng của mẹ thôi là chị thấy yên lòng. Rằng mẹ vẫn khỏe. Vẫn chờ mình ở nhà. Là đời mình vẫn còn có mẹ.
Chị lấy chồng bao năm cũng đã dần quen với việc mình cần phải có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ chồng. Như lúc đi siêu thị với chồng chị ngang nhiên ghé vào quầy quần áo để chọn đồ cho mẹ. Dĩ nhiên cũng không quên lựa đồ cho cả mẹ chồng. Nhà chồng cũng quen với việc cứ cuối tuần là chị đưa con về ngoại. Mỗi lần chị vào bếp nấu nướng một món ăn gì đó thật ngon bao giờ cũng để phần nhà ngoại. Nhiều khi chỉ là ít mứt gừng, mứt quất mẹ ngậm cho đỡ ho. Ít bánh quy nhấm nháp cho đỡ buồn. Ít kim chi để ăn với cơm như mấy bà cô trong phim Hàn Quốc mà mẹ thích mê…
Đợt mẹ ốm phải nằm viện, chị xin nghỉ việc nửa tháng về chăm. Chồng tỏ thái độ ra mặt. Chị vẫn nhẹ nhàng đáp lại: “Nếu đến bố mẹ đẻ mà em không báo hiếu thì thử hỏi em còn có thể đối tốt được với ai?”. Anh không nói gì nhưng chị biết tư tưởng cổ hủ, lạc hậu của anh sẽ khó mà thay đổi. Cũng như anh sẽ không bao giờ thay đổi được tấm lòng hướng về mẹ cha.
Từng người đàn bà sẽ như những vết nối trong sợi dây gắn kết gia đình qua từng thế hệ. Bà sinh ra mẹ trong những năm đói kém, tình yêu thương vun đắp qua từng bát cơm trộn, từng manh áo vá. Rồi mẹ sinh ra và chắt chiu nuôi chị lớn thành người. Mỗi người đàn bà sống một cuộc đời khác, mang màu sắc khác. Nhưng tình yêu thương luôn như hơi thở, như nhựa sống của cây. Giờ trời lại cho chị một bé gái đáng yêu, kháu khỉnh. Chị tin con lớn lên dẫu có làm nghề gì, đi trên con đường nào và chọn ai để đồng hành thì con cũng sẽ có được thứ quyền năng yêu thương như chị. Để tâm hồn con như tán cây tỏa bóng mát xuống đời…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG