Vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp nên mặc dù pháp luật đã quy định thì nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình bỏ qua việc thực hiện quy chế dân chủ...
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong ảnh: Công đoàn Công ty May Tinh Lợi lấy ý kiến của người lao động trong một buổi đối thoại dân chủ
Thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở sẽ giúp tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa, là điều kiện then chốt giúp việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển; đồng thời bảo đảm công bằng giữa lợi ích của người lao động (NLĐ) và chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, hiện nay vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp nên mặc dù pháp luật đã quy định thì nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình bỏ qua việc thực hiện QCDC.
Mới có thiểu số thực hiệnThành lập từ tháng 9-2012, Công ty May Vạn Hoa (Kim Thành) chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc, thu hút khoảng 250 công nhân, lao động (CNLĐ). Đến tháng 5-2013, được sự giúp đỡ của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Kim Thành, công ty đã thành lập công đoàn, cử đại diện ban chấp hành lâm thời. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện QCDC của công ty vẫn chưa đúng với các quy định của pháp luật, thậm chí còn phiến diện. Công ty chưa tổ chức đại hội NLĐ hay đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. "Khi công ty có thông báo tuyển dụng, chúng tôi chỉ cần mang hồ sơ đầy đủ cộng với khả năng có thể đáp ứng được công việc là được nhận vào làm. Điều duy nhất chúng tôi được phổ biến là những nội quy, quy định của công ty, tập trung vào những việc cấm như: không được làm việc riêng trong giờ làm việc, chế độ vệ sinh máy móc, nhà xưởng trước, trong và sau giờ làm, tiền lương, thưởng cũng được công ty phổ biến theo quy định. Công nhân cứ vậy mà thực hiện, bất luận những quy định ấy có phù hợp hay không", chị N.T.P., công nhân Công ty May Vạn Hoa chia sẻ.
Việc các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa thực hiện đúng, đủ theo quy định của pháp luật về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc không phải là cá biệt. Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, trong năm 2013 mới có 240 trong tổng số 464 doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức được hội nghị NLĐ (đạt 51,7%); 55% trong số đó xây dựng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quy chế phối hợp giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở với giám đốc doanh nghiệp. Ngoài ra, trong tỉnh ta còn rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác có số lượng CNLĐ từ 10 người trở lên chưa có tổ chức công đoàn, không được thống kê, giám sát việc thực hiện QCDC.
Cần chế tài mạnhViệc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc là quy định bắt buộc. Đối với các doanh nghiệp, việc thực hiện QCDC tập trung vào tổ chức các buổi đối thoại định kỳ tại nơi làm việc (quy định là 90 ngày/lần) và tổ chức hội nghị NLĐ mỗi năm 1 lần để công khai tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị, thay đổi nội quy, quy định cho phù hợp với tình hình thực tế, công khai việc chi trả lương, thưởng cho NLĐ... Ở đó NLĐ và chủ sử dụng lao động đều dân chủ trong việc tham gia kiến nghị để bảo đảm quyền lợi của cá nhân, đề xuất ý kiến mang tinh thần xây dựng giúp doanh nghiệp phát triển...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định trên có nhiều nguyên nhân. Trong đó, cơ bản nhất là do doanh nghiệp "ngại" công khai tình hình sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, việc thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, hội nghị NLĐ hoặc các hình thức khác thường gây tốn kém về tài chính và thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất nên chủ doanh nghiệp không mặn mà. Thứ ba, hiện nay dù là doanh nghiệp trong nước hay 100% vốn nước ngoài đều xây dựng các quy chế hoạt động của riêng mình, họ không muốn thường xuyên có sự can thiệp từ phía NLĐ. Hiện nay, tổ chức công đoàn được ủy quyền đại diện cho NLĐ để buộc doanh nghiệp thực hiện QCDC ở cơ sở. Tuy nhiên, hầu hết các cán bộ công đoàn ở khu vực này đều là kiêm nhiệm, họ chủ yếu vẫn là làm việc và ăn lương do doanh nghiệp trả nên rất khó khăn trong việc đứng lên bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ.
Với bất cứ lý do nào thì việc doanh nghiệp không thực hiện đúng QCDC cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy các cơ quan hữu quan cần đưa ra những chế tài mạnh, nghiêm minh xử lý những doanh nghiệp này. Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực của việc thực hiện QCDC. Hình thức tuyên truyền phải cụ thể, tập trung vào những vụ việc thực tế. Ví dụ như chỉ ra cho các doanh nghiệp biết số liệu thực tế của các vụ đình công mà nguyên nhân chính là do NLĐ và chủ doanh nghiệp không có tiếng nói chung. Đơn cử như cuối năm 2013 vừa qua, CNLĐ Công ty CP Cửu Long (khu công nghiệp Thạch Khôi) tổ chức đình công gần 1 tuần do công ty chậm trả lương cho họ. Để giải quyết mâu thuẫn, kêu gọi CNLĐ quay trở lại làm việc, ông Trần Gia Định, Giám đốc công ty đã phải tổ chức đối thoại, nêu rõ tình hình sản xuất của công ty đang gặp khó khăn, mong NLĐ thông cảm, cùng công ty vượt qua. Nếu công ty thực hiện tốt QCDC thì chắc chắn sẽ không dẫn đến NLĐ đình công, gây ảnh hưởng đến sản xuất và uy tín của công ty, đồng thời cũng không phải tổ chức đối thoại bất thường mà vẫn được NLĐ chia sẻ khó khăn... Ngoài ra, các cấp công đoàn cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ công đoàn cơ sở tại khối doanh nghiệp ngoài nhà nước để họ có đủ năng lực trong công tác tham mưu với chủ sử dụng thực hiện đúng pháp luật lao động.
NGỌC THANH