Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hình cho một Hải Dương phát triển trong tương lai.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý để kết nối đồng bộ quy hoạch các cấp, ngành; định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư... của Hải Dương.
Trong những năm qua, Hải Dương thực hiện quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 3155/QĐ-UBND ngày 15/11/2011.
Sau nhiều năm đổi mới và phát triển, quy mô nền kinh tế của Hải Dương đã tăng gấp 4,3 lần, đứng thứ 11 trong cả nước và thứ 5 trong vùng đồng bằng sông Hồng; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 7,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Quy mô sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong nhiều năm. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng, chất lượng ngày càng tăng.
Thu ngân sách hằng năm đã vượt 20.000 tỷ đồng. Hải Dương là một trong số các địa phương bảo đảm tự cân đối ngân sách. Hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị không ngừng được hoàn thiện, là 1 trong 5 tỉnh trong cả nước sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được khẳng định, đứng ở vị trí tốp đầu cả nước. Hệ thống y tế được đầu tư, nâng cấp; văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục phát triển…
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những diễn biến phức tạp, nằm ngoài dự báo; tình hình trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn; để chủ động ứng phó những thách thức, khó khăn trong thời gian qua, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật mới của Nhà nước đã được ban hành. Do đó, quy hoạch tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cần được nghiên cứu, xây dựng phù hợp tình hình mới.
Xuất phát từ thực tiễn này, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lập “Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Ngày 19/12/2023 là một dấu mốc đáng nhớ đối với Hải Dương khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch đã nêu rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của Hải Dương; phương án phát triển các ngành quan trọng, phương hướng tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phương án phát triển các khu chức năng; phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, liên huyện; phân bổ và khoanh vùng đất đai…
Thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó 14 đô thị hiện hữu và 14 đô thị mới.
Hải Dương quy hoạch phân vùng không gian liên huyện của tỉnh thành 4 vùng.
Cùng với đó, Hải Dương xây dựng phương án quy hoạch xây dựng 9 vùng huyện.
Hải Dương phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.
Hải Dương sẽ phát triển công nghiệp theo 3 vùng.
Vùng 1: Vùng công nghiệp động lực tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện. Vùng lõi trung tâm sẽ tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Vùng công nghiệp động lực quy mô sẽ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp lắp ráp lớn... làm động lực phát triển Hải Dương trở thành vùng công nghiệp trọng điểm vùng đồng bằng sông Hồng. Tại vùng này chỉ ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ.
Vùng 2: Vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang. Vùng công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo (bao gồm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại TP Hải Dương, các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Cẩm Giàng) được bố trí các diện tích đất cho thuê phù hợp nhu cầu mặt bằng trung bình của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đáp ứng được yêu cầu vị trí gần kề hoặc không quá 30 phút di chuyển bảo đảm việc cung ứng nhanh chóng cho các doanh nghiệp lắp ráp, công nghiệp công nghệ cao tại vùng lõi. Tại vùng này chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ tiên tiến; công nghiệp công nghệ mới; công nghiệp công nghệ sạch; công nghiệp lắp ráp cơ khí, chế tạo, điện, điện tử không gây ô nhiễm môi trường; các doanh nghiệp lắp ráp lớn.
Vùng 3: Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thuỷ sản và năng lượng sạch với công nghiệp công nghệ cao làm trụ cột tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang. Tại vùng này chỉ thu hút các dự án công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp dệt may - da giày, công nghiệp chế biến khoáng sản, luyện kim; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp môi trường...
Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh Hải Dương có 61 cụm công nghiệp với quy mô khoảng 3.209 ha. Phấn đấu đến năm 2030, thu hút trên 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong giai đoạn 10 năm vào phát triển sản xuất tại cụm công nghiệp, nâng tổng số lượng việc làm tại cụm công nghiệp lên trên 77.000.
Hải Dương định hướng phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng.
Trên lộ trình đó, Hải Dương xác định phát triển hệ thống thương mại đồng bộ, hiện đại. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hình ảnh của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành 8 trung tâm logistics ở TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và các huyện Bình Giang, Kim Thành, Thanh Hà, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Ninh Giang với tổng diện tích trên 200 ha.
Hải Dương xác định phát triển du lịch chuyên nghiệp hiện đại, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, trong đó chú trọng du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và các khu, điểm du lịch khác để hình thành các tuyến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nội tỉnh và liên tỉnh.
Phát triển du lịch theo hướng chú trọng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch làng nghề. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao, gắn với các hoạt động du lịch vui chơi, giải trí và trải nghiệm.
Phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ.
Theo quy hoạch, Hải Dương sẽ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong các ngành lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, ưu tiên các mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ, kết nối, trao đổi thông tin với các trung tâm đổi mới sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ trên cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, chuyển giao và hấp thụ công nghệ của tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn.
Phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng để Hải Dương trở thành trung tâm cấp vùng về giáo dục và đào tạo phía đông của vùng Thủ đô Hà Nội. Củng cố và phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng y tế, tỉnh sẽ xây dựng mới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; thành lập mới Trung tâm Chẩn đoán và điều trị bệnh nghề nghiệp với quy mô 200 giường bệnh, trở thành trung tâm điều trị bệnh nghề nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu phức hợp y tế tỉnh Hải Dương sau khi có đủ điều kiện...
Về văn hóa-thể thao, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho hệ thống thiết chế cấp tỉnh như Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Chèo xứ Đông, Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh, Khu liên hợp văn hoá - thể thao tỉnh. Phát triển 10 sân gôn phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảo đảm các quy định của pháp luật...
7 quan điểm phát triển chính của tỉnh gồm: Tạo được sự bứt phá trong phát triển trên cơ sở giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; Thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế; Phát triển xã hội văn minh, thân thiện, hài hòa; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội; Xây dựng và quản lý đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm tài nguyên và mang bản sắc riêng biệt; Phát triển theo hướng tiếp cận toàn diện, với mục tiêu hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; Phát triển dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế - xã hội gắn với với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Quan điểm phát triển tổng quát là đưa tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị lớn có sức thu hút, lan tỏa mạnh ở trong khu vực. Phát triển một số ngành có thế mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đủ sức dẫn dắt và có tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực trong vùng. Hình thành các cực tăng trưởng và các vùng động lực để tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong phát triển. Đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển, mở rộng chuỗi giá trị của vùng đồng bằng sông Hồng và các vành đai kinh tế trong khu vực; trở thành trung tâm kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước và trong hợp tác quốc tế…
Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.
Các nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tích cực áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, sản xuất và thương mại để nâng cao hiệu quả và năng suất cũng như chất lượng dịch vụ. Đưa kinh tế số thành một cấu phần quan trọng trong mọi lĩnh vực. Phát triển nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm giá trị cao thông qua đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tập trung đầu tư và phát triển mạnh mẽ khâu nghiên cứu và phát triển. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cho các cấp quản lý hay ngành kỹ thuật cơ khí, điện tử, logistics, y tế, giáo dục. Phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và hướng tới là cho toàn vùng đồng bằng sông Hồng…
Các đột phá phát triển là tập trung phát triển 5 trụ cột chính; Xây dựng 3 nền tảng hỗ trợ; Hình thành 4 trục phát triển không gian.
Hải Dương đã lựa chọn kịch bản tăng trưởng với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong cả giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm. Để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong vùng, Hải Dương định hướng xây dựng khu kinh tế chuyên biệt với quy mô hợp lý, trở thành động lực để thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là trung tâm của sự đổi mới, sáng tạo, kết nối và phát triển.
Với tầm nhìn, tư duy đổi mới - sáng tạo, cùng khát vọng vươn lên phát triển, Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sản phẩm của sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Tin rằng với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã, đang và sẽ hoạt động trên địa bàn tỉnh, Hải Dương sẽ thuận lợi hướng tới mục tiêu đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển của cả vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Thực hiện: MAI LIÊN - HÀ KIÊN
Ảnh: THÀNH CHUNG
Tác phẩm có sử dụng một số hình ảnh của NGUYỄN MẠNH HIỂN và các đồng nghiệp