Việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang là việc làm cần thiết và cấp bách, nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện và kinh tế vùng dọc tuyến đường 392, 395, 38.
Một góc thị trấn Kẻ Sặt và thị trấn Tráng Liệt (Bình Giang). Ảnh: Thành Chung |
Thị trấn Kẻ Sặt, thủ phủ của huyện Bình Giang, là điểm giao thương thuận lợi với các đô thị trong và ngoài tỉnh. Thị trấn có quốc lộ 38, tỉnh lộ 392, đầu mối giao thông thuận tiện đi các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... Thị trấn Kẻ Sặt và xã Tráng Liệt có nghề cơ khí truyền thống, điểm buôn bán sầm uất.
Tuy nhiên, với diện tích tự nhiên chưa đầy 75,5 ha, nên thị trấn nhỏ hẹp, dân cư ít (mới có trên 11 nghìn người). Các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, công viên cây xanh còn chưa xây dựng; cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhất là hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước, khu dân cư tập trung, hệ thống thương mại, siêu thị, bến xe... còn thiếu; các công trình trung tâm huyện, thị trấn chưa tập trung; trụ sở UBND huyện, huyện ủy, UBND thị trấn quy mô nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động lâu dài. Chính vì vậy, việc quy hoạch, mở rộng thị trấn Kẻ Sặt nhằm đáp ứng yêu cầu đô thị mới là vấn đề bức thiết.
Từ năm 2007 trở lại đây, Huyện ủy, HĐND huyện đã có định hướng cụ thể cho công tác quy hoạch phát triển lâu dài của thị trấn Kẻ Sặt. UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn (Sở Xây dựng) thực hiện các bước khảo sát, lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết cho thị trấn mới. Với địa thế của thị trấn Kẻ Sặt, phía bắc giáp xã Minh Đức, phía tây giáp xã Ngọc Lâm (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) nên chỉ có thể mở rộng ra các xã lân cận phía nam và phía đông, đó là các xã Tráng Liệt, Thúc Kháng, Vĩnh Tuy, Vĩnh Hồng, Tân Hồng. Theo quy hoạch, tổng diện tích sau khi mở rộng trên 731 ha, gấp 10 lần hiện nay. Thị trấn mới trung tâm là đô thị cũ mở rộng theo quốc lộ 38 và tỉnh lộ 392. Quảng trường chính đầu thị trấn giáp hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải nối liền với dải công viên cây xanh, kết hợp hệ thống hồ điều hòa là điểm nhấn chính của đô thị. Trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục tập trung hai bên đường 392 và 395 kéo dài. Trung tâm thương mại xây dựng nằm giữa khu dân cư hiện có và gần khu dân cư mới tạo khu vực sầm uất, thuận tiện giao lưu hàng hóa.
Theo quy hoạch mới, tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng đô thị là 537,7 ha, trong đó đất dân dụng 421,3 ha, đất ngoại dân dụng 116,4 ha. Thị trấn có 143 ha đất các khu ở cũ, 75,3 ha khu ở mới thuộc các xã Tráng Liệt, Vĩnh Tuy, Tân Hồng. Khu ở mới là các khu đô thị mới, có hệ thống hạ tầng hiện đại. Nơi đây chủ yếu cho nhà ở nhân dân, công nhân, chung cư cao tầng (trung bình 5 tầng). Các trung tâm công cộng đô thị có diện tích 55,4 ha gồm Trung tâm công cộng cũ có diện tích 18,3 ha ở phía bắc đường 392, Trung tâm công cộng mới có diện tích 37,1 ha tập trung ở phía nam đường 392, các công trình xây dựng tối đa 15 tầng. 54,6 ha là đất công trình công cộng, công viên cây xanh, công trình văn hóa, thể dục thể thao ở phía đông và phía nam đường 38. Đất giao thông trong khu dân dụng bao gồm các tuyến đường chính, đường khu vực, hệ thống giao thông tĩnh với tổng diện tích 64 ha. Các cụm công nghiệp có diện tích 54,5 ha gồm 2 khu chính: cụm công nghiệp phía đông đường 38 và cụm công nghiệp đường 392 được giữ nguyên, không phát triển thêm. Đất giao thông đối ngoại có tổng diện tích 33,2 ha, trong đó có 1 bến xe liên tỉnh. Hệ thống giao thông thị trấn là tuyến bắc - nam và đông - tây lấy 2 tuyến đường 392 làm trục chủ đạo. Phát triển vành đai giao thông mới tránh quốc lộ 38, bảo đảm thuận tiện giao thông giữa các khu vực của thị trấn. Đất canh tác còn xấp xỉ 140 ha.
Theo quy hoạch mới, dân số toàn thị trấn khoảng 11,5 nghìn người. Dự báo đến 2015 khoảng 19 nghìn người và 2020 có khoảng 25 nghìn người. Thị trấn là khu vực có khả năng thu hút đầu tư xây dựng các dự án thuộc ngành may mặc, thêu ren, cơ khí, chế biến nông sản xuất khẩu, từ đó thu hút lực lượng lao động lớn. Thị trấn Kẻ Sặt và khu vực vùng mở rộng có nghề truyền thống cơ khí và chạm khắc vàng bạc Châu Khê (xã Thúc Kháng). Những công trình kiến trúc, di tích, danh thắng tiêu biểu có giá trị lịch sử, văn hóa khu vực như: đình, chùa Châu Khê (xã Thúc Kháng), đình Mộ Trạch (xã Tân Hồng), đình Ngọc Cục (xã Thúc Kháng) với lễ hội tâm linh; nhà thờ Thiên chúa giáo xứ đạo Kẻ Sặt thu hút nhiều du khách trong các dịp lễ, tạo điều kiện cho thị trấn phát triển về du lịch, dịch vụ.
Với quy hoạch, các khu đều được quy hoạch chi tiết từ công trình xây dựng tạo điểm nhấn cho từng khu vực. Quy hoạch mở rộng các công trình cấp nước sạch từ 1.500 lên 3.000 m3/ngày; công trình xử lý nước thải, thoát nước mặt, nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn; các công trình điện dân dụng, điện phục vụ phát triển công nghiệp... Bình Giang cũng đưa ra những mục tiêu xây dựng theo quy hoạch đợt đầu từ 2010 đến 2015 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Một số công trình xây dựng mới, tạo nền móng, tiền đề cho các công trình chính phát triển trong giai đoạn kế tiếp như san nền đất, xây dựng cải tạo hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, hệ thống điện, các công trình ngầm... Các dự án xây dựng đô thị mang tính chất trọng điểm cần thực hiện trước, nhằm định hướng cho các công trình khác...
Việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang là việc làm cần thiết và cấp bách, nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện và kinh tế vùng dọc tuyến đường 392, 395, 38. Việc điều chỉnh mở rộng quy hoạch xây dựng còn là cơ sở trình Chính phủ xin điều chỉnh địa giới hành chính thị trấn Kẻ Sặt, định hướng phát triển thị trấn lên đô thị loại 4, là đô thị vệ tinh cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực xung quanh Thủ đô Hà Nội, TP Hải Dương và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
TRẦN TUẤN