Việc xử phạt phải đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng thì quy định mới thực sự đi vào cuộc sống...
Ngay cạnh những thùng rác công cộng, người dân vẫn vứt rác bừa bãi
Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-2-2017), đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng; vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
Trước quy định mới, đa số người dân đồng tình nhưng cũng có ý kiến băn khoăn. Chị Đào Thị M. quê ở xã Tân An (Thanh Hà) là người bán hoa quả trên phố Bùi Thị Cúc (TP Hải Dương) cho biết: "Phạt vứt rác thải, đi vệ sinh bừa bãi là đúng. Tuy nhiên, với người chạy chợ như chúng tôi, khi có nhu cầu đi vệ sinh mà không có nhà vệ sinh công cộng thì chúng tôi làm thế nào. Phần lớn người tiểu tiện bừa bãi cũng là cực chẳng đã. Nếu phạt từ 1 - 3 triệu đồng, chúng tôi lấy đâu ra tiền nộp phạt".
Theo ông Vũ Nhật Cảo, Trưởng khu dân cư số 4, phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) thì quy định phạt nặng này mới đủ sức răn đe. Thời gian qua, ông Cảo rất bức xúc trước việc nhiều người dân ý thức kém, đi vệ sinh ngay tại ngõ nơi gia đình ông và nhiều người khác đang sinh sống trong thời gian đợi ở nhà chờ xe buýt gần đó. Nhiều nơi được bố trí biển "Cấm vứt rác" nhưng một số người vẫn xả rác "trộm". Thậm chí, có những nơi được bố trí thùng rác công cộng nhưng người dân cũng không bỏ vào mà vứt bừa bãi.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), quy định xử phạt các hành vi vi phạm về môi trường trên là phù hợp với xu thế phát triển chung, là việc trước sau phải làm. Quy định này thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm nâng cao ý thức cho người dân trước tình trạng vứt rác thải bừa bãi còn diễn ra phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống.
Nghị định số 155 quy định và phân cấp người có thẩm quyền xử phạt từ Chủ tịch UBND các cấp tới công an và lực lượng thanh tra viên chuyên ngành bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, nghị định không chỉ rõ lực lượng chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện các vi phạm trên.
Bà Đỗ Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết với những người dân ý thức kém, họ sẽ cố ý xả thải lúc không có cơ quan chức năng hoặc trời tối, vắng người. Trong khi đó, cán bộ phụ trách môi trường của phường phải kiêm cả nhiệm vụ về quản lý đô thị, quy tắc, xây dựng... không thể kiểm tra, xử phạt thường xuyên các vi phạm trên. Để thực hiện tốt các quy định này, phải có một lực lượng chuyên biệt, chịu trách nhiệm phát hiện và tập trung xử lý các vi phạm.
Theo một cán bộ Sở TNMT, việc có được những bằng chứng chứng minh người vi phạm rất cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống camera, phương tiện hỗ trợ chưa thể phủ rộng để ghi nhận hành vi vi phạm. Đầu tư cho hệ thống phương tiện này rất tốn kém, khó khăn, nhất là ở các vùng nông thôn. Do đó hơn nửa tháng kể từ khi nghị định có hiệu lực đến nay, các cơ quan, ban, ngành vẫn còn lúng túng. Bà Nghĩa cho biết tất cả các trường hợp vi phạm trên địa bàn phường mới dừng lại ở việc nhắc nhở, chưa trường hợp nào bị xử phạt. Do đó, tình trạng xả thải bừa bãi, đi vệ sinh không đúng nơi quy định vẫn diễn ra.
Để nghị định trên đi vào cuộc sống, biện pháp căn bản nhất là phải tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Phải làm sao để mỗi người dân thay đổi hành vi, tự cảm thấy xấu hổ khi vứt rác, đi vệ sinh bừa bãi. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng và khai thác hiệu quả các nhà vệ sinh công cộng, các điểm thu gom rác tập trung...
PV