Trong Bộ luật Lao động hiện hành, nhiều quy định về đình công rất rườm rà, rắc rối, không phù hợp với thực tiễn.
Khoản 1 điều 209 đưa ra khái niệm đình công: "Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động". Định nghĩa như vậy là hợp lý, song đi kèm khái niệm đình công còn rất nhiều quy định phức tạp, không cần thiết. Chẳng hạn, việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn quy định tại khoản 3 điều 206 của Bộ luật Lao động. Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức, lãnh đạo. Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức, lãnh đạo đình công theo đề nghị của người lao động.
Chưa hết, muốn tổ chức đình công phải tuần tự qua các bước: lấy ý kiến tập thể lao động; ra quyết định đình công; tiến hành đình công. Trong mỗi bước lại có thêm nhiều quy định rườm rà khác nên rất khó thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục.
Thực tế diễn ra nhiều cuộc đình công nhưng các cơ quan chức năng không gọi đó là đình công, mà gọi là các vụ ngừng việc tập thể. Bởi nếu là đình công thì theo quy định phải do tổ chức công đoàn lãnh đạo, đình công phải xuất phát từ các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, chỉ được diễn ra sau khi tuân thủ quy trình, thời hạn theo luật định. Nhiều vụ đình công ở Hải Dương và cả nước diễn ra không do tổ chức công đoàn lãnh đạo, không tuân thủ đúng quy trình, thời hạn như luật định; đình công chủ yếu xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về quyền. Cũng có ý kiến cho rằng những vụ ngừng việc tập thể là những cuộc đình công bất hợp pháp. Chính vì trong Bộ luật Lao động đưa ra một số quy định kèm theo khái niệm đình công nên gây ra sự rắc rối này.
Theo thống kê của UBND tỉnh, từ tháng 1.2016 đến tháng 3.2017, Hải Dương chưa diễn ra cuộc đình công nào theo đúng quy định của pháp luật. Toàn tỉnh xảy ra 13 vụ ngừng việc tập thể với gần 6.900 công nhân, lao động tham gia.
Chính những quy định không hợp lý trong Bộ luật Lao động khiến công nhân, tổ chức công đoàn chưa thực hiện được quyền đình công đúng pháp luật. Theo tính toán, nếu thực hiện đình công hợp pháp thì công nhân, lao động, tổ chức công đoàn phải mất từ 20 ngày đến gần 1 tháng để làm các quy trình, thủ tục thì mới có thể bắt đầu đình công. Trong thực tế, công nhân, lao động thường yêu cầu chủ doanh nghiệp, cơ sở phải giải quyết sớm các yêu cầu, kiến nghị của mình. Với thời hạn quá lâu và quy trình, thủ tục rắc rối như vậy nên công nhân, lao động không đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Họ cũng chưa thực sự tin tưởng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở vì lực lượng này vẫn phải "ăn lương" của chủ doanh nghiệp nên khó có thể bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Hầu như các vụ đình công đều không do tổ chức công đoàn lãnh đạo mà do một số công nhân, người lao động đứng ra tổ chức.
Vừa qua, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra để lấy ý kiến góp ý. Tuy nhiên, trong bản dự thảo lần 1, các quy định về đình công thay đổi rất ít so với Bộ luật Lao động hiện hành.
Xuất phát từ thực tiễn, Bộ luật Lao động cần bổ sung, thay đổi nội dung đình công để bảo đảm tính khả thi. Sự thay đổi, bổ sung cần theo hướng giảm sự máy móc, rườm rà trong điều kiện, quy trình, thủ tục, thời hạn về đình công; tạo điều kiện để người lao động, tổ chức công đoàn thực hiện quyền đình công đúng pháp luật, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
NINH TUÂN