Quy định rõ tỷ lệ đại biểu cơ quan dân cử là nữ, dân tộc thiểu số

03/06/2015 16:29

Sáng 3-6, các đại biểu nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung của Bộ luật hàng hải và thảo luận một số nội dung của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội ...



Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), ngoài Quốc hội, Thủ tướng
Chính phủ cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND.

Thảo luận về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử trong dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay. Rất nhiều ý kiến đánh giá đây là quy định mang tính định tính, chung chung, khó áp dụng trong thực tế.

Các đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến khác đề nghị cần quy định “cứng” luôn tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số trong dự luật, tránh gây khó khăn trong quá trình triển khai. Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp), Âu Thị Mai (Tuyên Quang) và Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) cho rằng, riêng tỷ lệ phân bổ đại biểu là người dân tộc thiểu số cần nghiên cứu, quy định để bảo đảm tỷ lệ người dân tộc thiểu số tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Làm rõ hơn về nội dung này, Ủy ban Thường vụ QH cho biết việc bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý đại biểu QH, đại biểu HĐND là yêu cầu khách quan, cần thiết và là yếu tố quyết định tính chất, chất lượng hoạt động của QH, HĐND sau này. Tuy nhiên, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu QH, đại biểu HĐND phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đồng thời cần quan tâm đến tình hình, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương, đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ.

Trước đó vào đầu giờ sáng, các đại biểu nghe tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật nhằm đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, hội nhập của hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng quy mô lớn, hiện đại và bảo đảm tốt nhu cầu lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước, với nước ngoài. Đồng thời bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt nội dung sửa đổi, bổ sung luật đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt chú ý đến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông hàng hải; góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về Luật Trưng cầu ý dân. Các đại biểu TP Hồ Chí Minh đã tranh luận sôi nổi việc Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ có quyền trưng cầu ý dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, ngoài QH thì Thủ tướng Chính phủ cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như dự án luật đề xuất. Lý do đại biểu Tâm đưa ra là có những vấn đề Thủ tướng thấy cần nhưng chưa chắc Chính phủ đã ủng hộ nên Thủ tướng được đề nghị vấn đề trưng cầu ý dân.

Phản bác lại, đại biểu Trần Du Lịch đánh giá việc quy định như vậy là Luật Trưng cầu ý dân đang bổ sung cho Hiến pháp. “Khoản 15, điều 70 của Hiến pháp quy định chỉ có QH quyết định trưng cầu dân ý. Đây là chuyện của QH, chứ nới rộng ông này ông kia rồi lại cãi nhau, không thể làm luật trên Hiến pháp. Luật tự chế định ra Thủ tướng hay Chủ tịch nước như vậy là không được, là vi hiến”, đại biểu Lịch phân tích.

Đại biểu Lịch vừa dứt lời, đại biểu Trương Trọng Nghĩa có ý kiến không đồng tình. Theo đại biểu Nghĩa, quy định như trong dự thảo luật không có gì sai với Hiến pháp vì cuối cùng QH vẫn quyết. Củng cố thêm quan điểm của đại biểu Nghĩa, đại biểu Trần Thị Quyết Tâm khẳng định quy định Thủ tướng có quyền được đề nghị trưng cầu ý dân không có gì vi phạm, vi hiến. Cơ quan nào, chức danh nào trong xã hội, hệ thống chính trị có quyền đề nghị còn quyết định cuối cùng thuộc về QH nên vẫn đúng Hiến pháp.

Trước đó, nhiều đại biểu cho rằng dự luật quy định nội dung trưng cầu ý dân còn chung chung, khó thực thiện trong thực tế.

TTXVN-TT


Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương):
Chỉ nên trưng cầu ý dân những vấn đề rất lớn


Điều 6 dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, tôi tán thành với quy định “Những vấn đề đề nghị Quốc hội (QH) quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của QH”, không nên quy định những vấn đề cụ thể như một số ý kiến đề xuất. Những vấn đề trưng cầu ý dân phải là những vấn đề rất lớn, rất quan trọng, có liên quan tới vận mệnh quốc gia, thể chế chính trị, quốc kế dân sinh, có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi trong phạm vi cả nước thì mới đưa ra trưng cầu ý dân. Những vấn đề đó cần được Ủy ban Thường vụ QH và QH xem xét, cân nhắc thật thận trọng trước khi ra nghị quyết của vấn đề trưng cầu dân ý. 


Điều 7, tôi tán thành với quy định “Các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước”. Với tầm quan trọng của những vấn đề do QH quyết định trưng cầu ý dân thì phạm vi cần được tổ chức trên phạm vi của cả nước.    

Điều 13 về cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, tôi nhất trí với phương án: Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu QH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Việc giao cho MTTQ Việt Nam đề xuất với QH về vấn đề trưng cầu ý dân là hợp lý, phù hợp với Hiến pháp.

Điều 35 về thời gian thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân có quy định “Thời gian thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân được bắt đầu từ ngày Ủy ban Thường vụ QH công bố Nghị quyết của QH về trưng cầu ý dân cho đến khi kết thúc việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân”. Tôi thấy quy định như vậy là không hợp lý và nên bỏ điều này vì những vấn đề trưng cầu ý dân thu hút sự quan tâm sâu rộng của các tầng lớp nhân dân ngay từ quá trình Ủy ban Thường vụ QH thảo luận xem xét để trình ra QH xin ý kiến. Sau khi trưng cầu ý dân, công tác thông tin, tuyên truyền vẫn phải tiến hành.


Cần rõ về giải quyết khiếu nại, tố cáo


Tôi đề nghị, dự thảo luật nên quy định một số điểm rõ ràng, cụ thể hơn. Ví dụ về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến kết quả trưng cầu ý dân. Thực tế trưng cầu ý dân có những trình tự rất phức tạp nên không thể tránh khỏi nhầm lẫn, làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân. Trong khi đó, kết quả trưng cầu ý dân chỉ có hiệu lực pháp lý nếu quá trình tổ chức trưng cầu tiến hành đúng pháp luật. Được biết, ở nhiều nước đều quy định dành một khoảng thời gian nhất định cho việc xem xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân nhằm bảo đảm tính chính xác của kết quả trưng cầu. 

Bên cạnh đó, trước khi trưng cầu ý dân về những vấn đề nhạy cảm, quan trọng cũng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhằm bảo đảm kết quả trưng cầu khách quan, chính xác.

NGUYỄN QUANG HUY (22/167 Bình Lộc, phường Tân Bình,  TP Hải Dương)

Quy định khi nào trưng cầu ý dân

Tôi rất đồng tình với dự án luật mới này vì đây là lần đầu tiên có một luật


riêng quy định về việc lấy ý kiến người dân. Điều này chính là việc cụ thể hóa hơn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và thể hiện đúng bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Để trưng cầu ý dân thể hiện đúng bản chất là một kênh mà ở đó người dân trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình và là một kênh quan trọng để các cơ quan chức năng có thêm thông tin trong việc hoạch định chính sách thì theo tôi, luật cũng cần phải quy định rõ khi nào thì trưng cầu ý dân. Ngoài ra, luật cần nêu rõ chủ thể nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; tính hiệu lực của trưng cầu ý dân; việc lựa chọn nội dung nào cần trưng cầu ý dân...

NGUYỄN THỊ LÝ(Ngõ 54 đường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương)

Trưng cầu ý dân ở cả cấp cơ sở

Dự thảo luật hiện nay quy định: "các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước”, nhưng theo tôi ngoài trưng cầu ý dân những vấn đề vĩ mô trên toàn quốc thì cần có những cuộc trưng cầu ý dân về các vấn đề ở địa phương, cơ sở. Bởi hiện nay các vấn đề phát sinh của đời sống xã hội cần phải giải quyết ngay đều ở các địa phương, cơ sở. 

Những vấn đề có thể tổ chức trưng cầu ý dân ở cơ sở như: điều chỉnh địa giới hành chính; việc xây dựng các công trình lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi sinh hoặc chủ trương, mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình điện, đường, trường, trạm, nghĩa trang, công trình văn hóa, thể thao; xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa, nếp sống văn minh...

ĐỖ THANH TÙNG (Thượng Trà, Tân Dân, Kinh Môn)

(0) Bình luận
Quy định rõ tỷ lệ đại biểu cơ quan dân cử là nữ, dân tộc thiểu số