Quy định mới siết chặt quản lý thức ăn chăn nuôi

07/06/2018 19:06

Theo quy định mới, một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi sẽ bị xử phạt nặng hơn so với các quy định hiện hành.


Chất lượng thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm

Từ ngày 22.6, Nghị định số 64/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hiệu lực thi hành. Theo đó, một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi sẽ bị xử phạt nặng hơn so với các quy định hiện hành.

Gần 20 năm nay, trang trại của gia đình ông Trần Văn Nhạ ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) thường xuyên nuôi khoảng 1.000 con lợn. Thời gian gần đây, giá lợn có nhiều biến động, tổng đàn lợn của gia đình ông Nhạ đã giảm nhưng vẫn duy trì hơn 400 con. Ông Nhạ cho biết chất lượng thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thịt, chi phí thức ăn chiếm 60-70% giá trị sản phẩm. Do đó, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi có thể quyết định sự thành bại của người chăn nuôi. 

Hầu hết các loại thức ăn chăn nuôi mà gia đình ông Nhạ biết đến đều do các đơn vị chào mời hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Sản phẩm nào có mức giá hợp lý thì ông mua. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn có đúng với thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác hay không thì ông Nhạ không xác định được. Chất lượng thức ăn như thế nào chỉ khi sử dụng ông mới biết. Có lần cả đàn lợn con bị tiêu chảy do ăn cám kém chất lượng. Ông Nhạ nêu ý kiến: “Cần xử phạt nghiêm đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn kém chất lượng để người chăn nuôi không còn nỗi lo mua phải các sản phẩm rởm gây thiệt hại về kinh tế và uy tín của trang trại”. 

Theo bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh hiện có hơn 500.000 con lợn, hơn 11 triệu con gia cầm. Mặc dù được quan tâm nhưng công tác kiểm soát, quản lý thức ăn chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm phân tán, hoạt động theo thời vụ. Việc xác định các vi phạm đều dựa trên kết quả của các mẫu phân tích, kinh phí thực hiện còn hạn chế, trong khi lực lượng cán bộ thú y cơ sở không đủ máy móc, thiết bị hỗ trợ.

Nghị định 64/2018/NĐ-CP gồm 4 chương, 37 điều sắp có hiệu lực được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn trong quản lý thức ăn chăn nuôi. 

Mức phạt tiền của Nghị định 64/2018/NĐ-CP kế thừa các quy định của Nghị định 119/2013/NĐ-CP, cùng xử mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt tiền đối với từng hành vi cụ thể có những thay đổi. Ví dụ, mức phạt tiền đối với vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi quy định tại Nghị định 64/2018/NĐ-CP là từ 50-100 triệu đồng (Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định phạt từ 5-100 triệu đồng). Đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc không có văn bản cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định cũ phạt tiền từ 15-20 triệu đồng, còn quy định mới có 2 mức phạt: từ 10-15 triệu đồng và từ 15-30 triệu đồng nếu tổng giá trị lô sản phẩm từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên. Việc phân chia các mức xử phạt đối với từng hành vi sát thực tế, dễ áp dụng hơn.  

Tại điều 3 Nghị định 64 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi là 1năm, trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm. Các văn bản trước chưa quy định cụ thể về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Những điểm mới của Nghị định 64 quy định cụ thể đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt… là căn cứ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi cạnh tranh công bằng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định mới siết chặt quản lý thức ăn chăn nuôi