Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025: Nhận diện rõ hộ nghèo, cận nghèo

15/03/2021 17:31

Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ ngày 15.3.2021.


Tặng bò giống sinh sản cho hộ nghèo ở xã Thúc Kháng (Bình Giang)

Theo nghị định, từ ngày 1.1.2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều sẽ áp dụng cho giai đoạn 2022-2025.

Quy định về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của giai đoạn 2016-2020 chia thành 2 nhóm: một là nghèo về thu nhập, hai là nhóm nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ cơ bản. Hộ nghèo ở khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống hoặc từ trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ cơ bản trở lên. Còn khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống hoặc từ trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn nghèo đa chiều của giai đoạn 2022-2025 hướng tới xác định, nhận diện hộ nghèo, cận nghèo toàn diện hơn, vừa theo tiêu chí thu nhập, vừa theo tiêu chí thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Cụ thể, chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Chuẩn hộ nghèo đối với khu vực thành thị là 2 triệu đồng trở xuống và tiêu chí thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. 

6 dịch vụ xã hội cơ bản gồm việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: việc làm; người phụ thuộc trong gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Điểm mới trong đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ cơ bản giai đoạn 2022-2025 bổ sung chiều thiếu hụt việc làm. Các ngưỡng thiếu hụt việc làm gồm gia đình có ít nhất một người không có việc làm hoặc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động; xem xét cho việc làm thường xuyên, đều đặn, mang tính chất ổn định hoặc tương đối ổn định. Hộ dân có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Người phụ thuộc bao gồm: trẻ em dưới 16 tuổi; người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng…

Nghị định mới được nhiều người đồng tình bởi khi tăng trưởng kinh tế, chuẩn mức sống nâng lên thì chuẩn nghèo cũng phải nâng lên. Với việc xác định rõ tiêu chí, đánh giá thực trạng nghèo làm cơ sở để đưa ra các cơ chế, giải pháp, hình thức hỗ trợ phù hợp. Với những gia đình thiếu việc làm thì có chính sách hỗ trợ việc làm để người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống...

Thời gian qua, việc triển khai công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân, các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” có rất nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ nhân đạo, ủng hộ, giúp đỡ tạo cơ hội cho người nghèo vươn lên.

Tuy nhiên thực tế có hộ có điều kiện trung bình hoặc khá đã tách hộ để bố mẹ già yếu hết tuổi lao động thành hộ riêng rồi hưởng chính sách hộ nghèo.

Một cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện chia sẻ, qua kiểm tra, chấm điểm có những người thực nghèo và cũng còn có những người chưa hẳn nghèo. Nhiều gia đình nông thôn với thói quen sinh hoạt tự cung tự cấp đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống, so với mặt bằng chung cũng không quá khó khăn nhưng chấm điểm vẫn là hộ nghèo. Có những gia đình có người bị ung thư, chi phí chạy chữa một năm rất tốn kém nhưng tài sản trong nhà thì lại đầy đủ. Vì “tình làng nghĩa xóm”, có nơi xét họ là hộ nghèo nhưng theo quy định như vậy là không đúng…

Việc bổ sung, sửa đổi một số chỉ số tiêu chí, hướng dẫn bình xét thời gian tới được kỳ vọng sẽ đo lường cụ thể, chính xác, giải quyết vướng mắc trong chuẩn nghèo giai đoạn vừa qua.

HN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025: Nhận diện rõ hộ nghèo, cận nghèo