Tổ chức, cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin yêu cầu cung cấp.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 46/2018/TT-BTC quy định chi tiết chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Tiếp cận thông tin.
Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin; cơ quan nhà nước, đơn vị đầu mối cung cấp thông tin và cán bộ làm đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước.
Cụ thể, chi phí in, sao, chụp thông tin như sau: Mức thu đối với phô tô tài liệu giấy, nếu phô tô đen trắng, mức thu là 3.000 đồng/ trang A4, nếu phô tô màu mức thu là 18.000 đồng/ trang A4.
Trường hợp in từ phim, ảnh gốc: Cỡ từ 15x21 cm trở xuống, mức thu 36.000 đồng/tấm; cỡ từ 20x25cm đến 20x30cm mức thu 54.000 đồng/tấm; cỡ từ 25x35cm đến 30x40cm mức thu 135.000/tấm.
Đối với in sao tài liệu ghi âm (không kể vật tư), mức thu 27.000 đồng/ phút nghe; in sao phim điện ảnh, mức thu 54.000 đồng/phút chiếu.
Đối với cơ quan nhà nước cung cấp thông tin đóng trên địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn thì mức thu bằng 70% mức thu quy định trên; đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mức thu bằng 50% mức thu quy định trên.
Chi phí gửi thông tin yêu cầu cung cấp: Mức thu chi phí thực hiện theo mức giá cước tối đa quy định tại Thông tư 22/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Người yêu cầu cung cấp thông tin không phải trả chi phí gửi thông tin yêu cầu cung cấp qua mạng điện tử, fax.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1.7.2018.