Mỗi năm tới dịp Quốc khánh 2.9, tôi lại nhớ về bà ngoại với những câu chuyện xa xưa của bà.
Mỗi năm tới dịp Quốc khánh 2.9, tôi lại nhớ về bà ngoại với những câu chuyện xa xưa của bà. Ngày tôi còn bé, bà vẫn hay rủ rỉ rù rì kể những chuyện thời bà còn trẻ, những câu chuyện không có gì gay cấn nhưng lại hấp dẫn tôi hơn cả những truyện cổ tích, bài đồng dao. Ngày 2.9.1945, bà tôi khi ấy là người thiếu phụ trẻ mới ngoài 20 tuổi, chưa một lần cắp sách tới trường và không hề biết chữ. Ở vùng quê xa Thủ đô Hà Nội, bà không được chứng kiến, chỉ nghe người ta truyền tai nhau kể về ngày Quốc khánh. Trong một phiên chợ đông người, có ai đó đã có và đọc cho mọi người nghe bài báo tường thuật buổi lễ và bản Tuyên ngôn độc lập của Cụ Hồ trên báo Cứu quốc.
Ngày Quốc khánh ở thủ đô - một buổi lễ đông người, hào hùng và xúc động chỉ có trong sự hình dung tưởng tượng của bà. Nhưng ngày Quốc khánh thực sự là một dấu mốc trong cuộc đời người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, ham hiểu biết ấy. Ngay sau Quốc khánh, phong trào Bình dân học vụ được Hồ Chủ tịch phát động về tới tận làng quê heo hút của bà. Bà được đi học chữ trong lớp học buổi tối, dưới ánh đèn dầu leo lét. Chữ được viết trên những cái nong, cái nia chứ không có bảng đen phấn trắng. Nhưng những buổi học ấy đã làm bừng sáng cả một góc đời của bà tôi. Trước khi biết chữ, bà đã có cả kho tàng tri thức dân gian với ca dao, tục ngữ, với truyện cổ tích, truyện cười, hò vè, câu đố. Nhưng khi biết đọc, bà mới có thể thuộc trọn vẹn Truyện Kiều và những đoạn trích Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm mà trước kia bà chưa biết. Hình ảnh bà trong tôi luôn gắn liền với mái tóc bạc phơ, cặp kính lão cùng tờ báo. Tới tận khi sắp mất ở tuổi ngoài 100, bà vẫn minh mẫn, chăm chỉ đọc báo hằng ngày để xem thế giới ngoài kia thế nào. Ngày Quốc khánh đặt dấu mốc độc lập, tự do cho dân tộc và mở ra cho bà tôi cả một chân trời thênh thang rộng lớn, dù cả cuộc đời bà vẫn chẳng đi đâu xa.
Cũng những ngày tôi còn bé, mới học lớp 1, lớp 2, tôi hay chơi cùng hai chị em con nhà hàng xóm trạc tuổi mình. Cả hai cô chú đều làm trong công ty vệ sinh môi trường đô thị, người quét rác, người chuyên vệ sinh cống rãnh. Công việc nặng nhọc nhưng đồng lương chẳng nhiều nhặn gì nên gia cảnh không khá giả, căn nhà rất bé, chỉ có một phòng. Nhưng cứ gần đến ngày 2.9, hai chị em lại háo hức đợi chờ bởi sẽ được bố mẹ mua cho quần áo mới, dẫn đi chơi và có thể có cả đồ chơi nữa. Mỗi năm tới dịp này, tôi vẫn nhớ ánh mắt sáng niềm vui của hai chị em nhà hàng xóm năm xưa. Ngày Quốc khánh thiêng liêng được những người dân bình thường trân trọng một cách giản dị mà xúc động. Tình yêu quê hương, đất nước, ghi nhớ những dấu mốc trọng đại, lớn lao của dân tộc được bắt nguồn ngay từ những việc làm nhỏ bé ấy.
Tôi tin chắc rằng trong mỗi người dân Việt Nam đều có cho mình một hình ảnh riêng về ngày Quốc khánh, như hình ảnh người bà, người hàng xóm năm xưa trong trí nhớ của tôi. Quốc khánh của mỗi người có thể khác nhau với những kỷ niệm chất chứa trong ký ức song dường như phần lớn đều tràn ngập sự hân hoan, phấn khởi, những niềm vui. Đất nước đã bước sang trang sử mới từ ngày lịch sử cách đây 75 năm, từ đó đã mở ra biết bao cơ hội cho người dân xây dựng cuộc sống ngày một đàng hoàng, ấm no, sung túc hơn. Kỷ niệm ngày Quốc khánh năm nay, đất nước đang cùng nhân loại gồng mình chống lại một kẻ thù chung - dịch bệnh Covid-19. Quốc khánh của nhiều người sẽ là hình ảnh những y, bác sĩ, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, những thanh niên tình nguyện… đang ngày đêm miệt mài làm nhiệm vụ, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, giữ bình yên cho cuộc sống người dân. Với tinh thần đoàn kết, đóng góp và hy sinh vì đất nước, vì cộng đồng - tinh thần đã giúp chúng ta đi tới ngày độc lập sẽ thêm một lần nữa cùng ta chiến thắng kẻ thù.
SONG KHUÊ