Việc Quốc hội họp kỳ bất thường để xem xét chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đánh giá là rất cần thiết.
“Suy cho cùng là tiền thuế của dân”
Thảo luận tại tổ chiều 4.1 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nội dung này đã được chuẩn bị từ lâu và cơ bản đạt sự đồng thuận cao giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
“Nhiều hoạt động của cả Chính phủ và Quốc hội, nhất là tổ chức hàng loạt tọa đàm, diễn đàn kinh tế tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc từ rất sớm với các cơ quan, trình đi trình lại bao nhiêu lần để ra được con số hôm nay”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Gói tài khóa, tiền tệ lần này gần 350 nghìn tỷ đồng và tập trung thực hiện trong 2 năm 2022, 2023 và là gói bổ sung ngoài khung khổ đầu tư công trung hạn 5 năm, ngoài các chính sách đã quyết định trong năm 2020, 2021.
“Khung khổ quyết định rồi, giờ ngoài khung khổ tăng thêm thì rõ ràng có rủi ro, nên cần thận trọng vì quyết không trúng, không đúng, lãng phí thì có lỗi với sự phát triển của đất nước, với dân vì suy cho cùng là tiền thuế của dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý và một lần nữa nhấn mạnh “huy động nguồn lực đã khó nên phân bổ cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi cao” vì thời hiệu chỉ có 2 năm, nếu để kéo dài đến năm thứ 4, thứ 5 thì chẳng còn gì là gói khẩn cấp nữa. Do đó, đưa vốn vào đâu để tạo lan toả cho nền kinh tế là điều cần tính toán kỹ lưỡng.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẵn sàng xem xét các biện pháp thuộc thẩm quyền, nhất là các cơ chế khác biệt vì sự kiến tạo, phát triển đất nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, song phải rõ địa chỉ, thời gian và rõ loại việc chứ không chung chung. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Nhấn mạnh giải quyết yêu cầu trước mắt song cũng cần tính toán căn cơ cho lâu dài, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc quan tâm đến chuyển đổi số, khoa học công nghệ, kinh tế xanh chưa đậm nét lắm. Bên cạnh đó, cái gì có dấu hiệu thiếu bền vững cũng phải tính toán trước.
“Chứng khoán để “nóng” quá, nếu không điều tiết dẫn đến vốn rơi vào đầu cơ là không lành mạnh. Hay đấu giá 1m2 đất mà 2,4 tỷ đồng là chưa bao giờ có. Quốc hội đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý thêm.
“Đã đến lúc chúng ta không thể ngồi yên”
Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ tán thành với việc ban hành chính sách, cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đại dịch gây ra và tập trung trong 2 năm 2022, 2023. Cũng chính vì đặc thù nên Quốc hội mới họp bất thường để xem xét, song gói tài khóa, tiền tệ phải đúng, trúng để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đạt mục tiêu đề ra vào cuối nhiệm kỳ.
“Làm tốt thì tác dụng tốt, còn nếu không tốt thì không biết hậu quả ra làm sao”, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh và đề nghị cân nhắc tính toán cơ chế chặt chẽ khi thực hiện, tránh việc chính sách thực hiện mỗi nơi mỗi khác “như giải phóng mặt bằng nơi làm được, nơi không làm được thì sao khi gói hỗ trợ tập trung chỉ trong 2 năm”.
Còn theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, “đã đến lúc chúng ta không thể ngồi yên”. Dẫn số liệu cho thấy sau thời gian thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn thì nền kinh tế đã khởi sắc thấy rõ, ông cho rằng việc ban hành gói tài khóa, tiền tệ sẽ kích thích phát triển kinh tế tốt hơn nữa trong thời gian tới.
“Ban hành gói này không còn sớm nhưng chưa phải muộn. Chính sách tập trung thực hiện trong 2 năm nên phải càng nhanh càng tốt, dứt điểm để giải quyết được bài toán phục hồi và phát triển hiện nay”, Bộ trưởng Công thương nêu quan điểm, đồng thời cho rằng việc áp dụng các cơ chế đặc thù là cần thiết, đi kèm với đó là thanh tra, kiểm tra, giám sát và nghiêm túc trong thực thi công vụ.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng một trong những quan điểm đặt ra là “dễ kiểm tra, dễ giám sát là rất khó” mà quan trọng là đúng, trúng đối tượng cần hỗ trợ. Bà cũng đề nghị bên cạnh nhấn mạnh chống tiêu cực, lợi ích nhóm thì cần thêm chống tham nhũng để thể hiện quyết tâm chính trị rõ hơn.
Theo VOV