Quốc hội khóa XV đổi mới để phát triển - Bài 2: Trách nhiệm, vì dân

13/08/2021 07:45

Quyết định nâng cao vai trò của đại biểu chuyên trách là quyết định quan trọng, thể hiện quyết tâm đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả của Quốc hội.

>>> Quốc hội khóa XV: Đổi mới để phát triển và ngày càng hoàn thiện

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Đổi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là yêu cầu tiên quyết, được người đứng đầu Quốc hội khẳng định nhiều lần trước nghị trường cũng như tại các cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội.

Việc đổi mới này cần được triển khai đồng bộ trên nhiều mặt, trong đó việc phát huy vai trò của từng đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quyết định.

Phát huy vai trò đại diện

Để đảm nhiệm tốt vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát biểu trước Quốc hội tại phiên họp trọng thể đầu tiên của khóa mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Quốc hội “tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động".

Thực hiện theo tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ bản thân Quốc hội phải luôn luôn tự đổi mới và tự hoàn thiện. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được đo lường bằng kết quả các kỳ họp của Quốc hội, hiệu quả tổ chức hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, bằng chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội...

Thật đáng mừng là trong 499 đại biểu Quốc hội khóa mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết có tới 38,6% đại biểu hoạt động chuyên trách. Đây là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng, giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm.

Các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là phụ nữ đạt 30,26% - cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây.

Chủ tịch Vương Đình Huệ thông tin tới đây, Đảng đoàn Quốc hội sẽ có đề án nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động cũng như tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương và từng đại biểu Quốc hội cần phát huy tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, bảo đảm hài hòa trong công việc giữa Trung ương và địa phương, không vì quá chú trọng những việc chung của đất nước mà quên đi trách nhiệm với địa phương và ngược lại.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội nỗ lực tăng cường mối quan hệ với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị ở địa phương; giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND.

Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; rà soát lại hệ thống pháp luật, ban hành luật… Do đó, để thực hiện đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu bật tầm quan trọng của việc chủ động nắm bắt được tình hình kinh tế, xã hội từ sớm, từ xa, sát thực tiễn; đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các Tổ trưởng đảng, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Đề cao tính chuyên nghiệp

Nhìn vào cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, có thể nhận thấy khóa mới đã giảm đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.

Quyết định nâng cao vai trò của đại biểu chuyên trách là quyết định quan trọng, thể hiện quyết tâm đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Nếu làm phép so sánh với các khóa trước, như khóa IX và khóa X, Quốc hội chỉ có hơn 5% đến gần 7% là đại biểu chuyên trách; đến khóa XIII và XIV, tỷ lệ này đã tăng lên trên 30% và 35% thì tỷ lệ 38,6% ở khóa XV là tín hiệu tích cực để hướng tới một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, qua đó thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với cử tri và đất nước.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đại biểu chuyên trách là hạt nhân trong hoạt động của Quốc hội. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội có sự đóng góp rất quan trọng của các đại biểu chuyên trách. Với vai trò lớn như vậy, việc tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách trong Quốc hội là xu thế tích cực và tất yếu.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đòi hỏi tính chuyên nghiệp phải cao. Đối với cơ quan dân cử, đại biểu hoạt động chuyên trách có ý nghĩa quan trọng, nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội và HĐND các cấp.

Đại biểu chuyên trách ngoài việc phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội còn phải hội tụ đủ năng lực chuyên sâu về kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động và bản lĩnh dám nói... để tham gia vào quá trình lập pháp - một chức năng rất quan trọng của Quốc hội.

Còn theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), việc chú trọng xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ đại biểu hoạt động chuyên trách góp phần quan trọng vào thành công của các hoạt động Quốc hội.

Và để hoạt động hiệu quả, điều quan trọng nữa là sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân. Các đại biểu dân cử phải nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu

Để Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, Trưởng ban Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết cùng với việc không ngừng đổi mới tổ chức, hoạt động, Quốc hội rất quan tâm đến việc nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu, nhất là đại biểu mới trúng cử lần đầu.

Ngay sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố chính thức danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Ban Công tác Đại biểu đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn giới thiệu về Quốc hội cho người mới trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.

Các nội dung tập huấn tập trung giới thiệu về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; quyền và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội; quy trình thủ tục tại kỳ họp; các đơn vị hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội; chia nhóm thực hành các kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng tiếp xúc báo chí tại kỳ họp, kỹ năng giữ mối liên hệ và tiếp xúc cử tri…

Thông qua các hoạt động tập huấn, trao đổi kinh nghiệm góp phần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động, hỗ trợ đại biểu Quốc hội nâng cao năng lực hoạt động nghị trường, từ đó phát huy được sở trường, thế mạnh của mỗi đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội mới trúng cử lần đầu bắt nhịp được ngay với hoạt động của Quốc hội.

Toàn cảnh bế mạc kỳ họp

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết dự kiến vào thời điểm thích hợp, Ban Công tác Đại biểu sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu theo hướng chuyên sâu với tinh thần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội để Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hơn thông qua vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội.

Ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, hiến kế giúp Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động…

Khẳng định vai trò trung tâm, hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định của đại biểu trong toàn bộ hoạt động của Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh “tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khóa này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó".

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội khóa XV đổi mới để phát triển - Bài 2: Trách nhiệm, vì dân