Mỹ đang dựa vào châu Âu để đối phó với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine nhưng có những lý do cho thấy sự ủng hộ của EU có lẽ sẽ không kéo dài mãi mãi.
Khủng hoảng chưa từng có
Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ những năm 1930. Đại dịch Covid-19 đã khiến châu Âu trong một vài thời điểm đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong một thế hệ.
Sau đó, cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, khiến cho châu Âu phải tăng cường nỗ lực làm suy yếu Nga bằng các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt này đã phản tác dụng. Trong khi giá trị của đồng rúp tăng lên thì châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng, lạm phát và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Các chính phủ châu Âu cũng đang gặp rắc rối khi Thủ tướng Italy tuyên bố từ chức trong khi tại Hà Lan, Đức, Ba Lan và Tây Ban Nha, những cuộc biểu tình phản đối của nông dân và tài xế xe tải diễn ra trong nhiều tuần liền. Làn sóng phản đối cũng diễn ra ở ngành hàng không. Trong khi những rắc rối trên tiếp tục gây khó khăn cho châu Âu thì hàng triệu người tị nạn từ châu Phi và Trung Đông có thể sẽ bắt đầu đổ về các biên giới châu Âu. Vấn đề lương thực, nhiên liệu và nhập cư cũng sẽ khiến các chính phủ châu Âu đối mặt với tình trạng bất ổn gia tăng. Nhiều nước có thể sẽ rơi vào bất ổn trong 6 - 8 tháng tới.
Được hưởng lợi một phần qua nhập khẩu năng lượng giá trẻ từ Nga, Đức đã trở thành đầu tàu kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, điều đó không còn tiếp diễn nữa. Đức tự sản xuất rất ít dầu và khí đốt. Họ phụ thuộc vào Nga trong một thời gian dài khi nhập khẩu 1/3 năng lượng từ Moscow. Vào tháng trước, xuất khẩu khí tự nhiên của Gazprom sang châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Đường ống dẫn khí quan trọng Dòng chảy phương Bắc 1 đang vận hành ở mức 20% công suất của nó và Tổng thống Putin cảnh báo sẽ tiếp tục cắt giảm thêm khí đốt qua đường ống này.
Giá năng lượng tăng cao đã khiến xuất khẩu của Đức ít cạnh tranh hơn trong khi tăng trưởng ở thị trường lớn nhất của họ là Trung Quốc lại đang giảm. Các tài xế Đức đang phải trả gần 10 USD/gallon xăng. Cơ quan quản lý mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur) cảnh báo người tiêu dùng rằng giá năng lượng mà các hộ gia đình phải chi trả có thể sẽ tăng gấp 3 vào năm sau. Các nhà sản xuất thép của Đức, vốn cần than đá và nhập khẩu chủ yếu từ Nga, cũng đang cảm nhận sâu sắc tác động của các lệnh trừng phạt. Tỷ lệ lạm phát của Đức cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1960 trong khi GDP của nước này đang và sẽ tiếp tục giảm.
Các nhà lãnh đạo châu Âu rõ ràng đã cảm nhận được điều gì sắp xảy ra. Thủ tướng Hungary Viktor Orban chỉ trích các chính sách trừng phạt Nga của EU, cho rằng: "Chúng ta đang tự bắn vào chân mình và rõ ràng, kinh tế châu Âu đã tự bắn vào lá phổi của mình và kinh tế đang bị hụt hơi". Điều đáng chú ý là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cũng nhất trí với quan điểm của ông Orban. Ông cảnh báo, do thiếu hụt năng lượng, châu Âu sẽ chứng kiến "sự xung đột và bất hòa vô cùng dữ dội" trong mùa đông này.
Châu Âu đang cố gắng giảm thiểu tối đa sức ép kinh tế. Những phái viên cấp cao đã được cử tới các quốc gia chuyên xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt như Azerbaijan, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhưng ván cược này có thể quá ít và đã quá muộn. Châu Âu đầu tư rất ít vào các cơ sở hạ tầng cần thiết để nhanh chóng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Hơn nữa, Nga vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể đến các nhà xuất khẩu năng lượng như Kazakhstan, Azerbaijan và Libya. Quốc gia duy nhất với trữ lượng và công nghệ có thể tăng sản lượng trên quy mô lớn là Mỹ nhưng Washington đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Tình trạng khó khăn về kinh tế thường dẫn đến sự nổi lên của các đảng chính trị theo chủ nghĩa dân túy, vốn đi ngược lại sự đoàn kết của châu Âu. Chẳng hạn, cuộc suy thoái năm 2008 đã tăng cường ảnh hưởng của đảng Mặt trận Quốc gia của Pháp. Năm 2010, nhà lãnh đạo cánh hữu của đảng này - bà Marine Le Pen lần đầu tiên trở thành một nhân tố chính trị đáng chú ý khi tỷ lệ bỏ phiếu cho đảng Mặt trận Quốc gia tăng từ 4,3% năm 2007 lên 12% vào 3 năm sau đó. Hiện nay, đảng của bà Le Pen cũng chứng kiến số ghế trong Quốc hội Pháp tăng từ 8 lên 89 ghế.
Châu Âu có còn sẵn sàng san sẻ gánh nặng quân sự cùng Mỹ?
Mỹ cần một châu Âu mạnh về kinh tế, hợp tác về chính trị và đoàn kết về xã hội nhưng hiện nay Washington vừa đối mặt với sự chia rẽ về lợi ích với các nước châu Âu, vừa đối mặt với sự chia rẽ lợi ích trong bản thân châu Âu. Đức bắt đầu tích trữ gỗ để sử dụng làm nhiên liệu trong mùa đông và chính phủ nước này đã giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga.
Khi đồng euro sụt giảm so với đồng USD và thâm hụt tài chính trên khắp châu lục gia tăng, việc châu Âu có sẵn sàng chia sẻ gánh nặng quân sự với Mỹ hay không ngày càng bị đặt câu hỏi. Từng dẫn đầu ủng hộ năng lượng có thể thay thế, EU hiện phải chấp nhận sử dụng nhiều khí đốt và than đá hơn để đáp ứng các nhu cầu của mình.
Các thành viên EU như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, vốn không phụ thuộc vào khí đốt Nga, dường như không mấy quan tâm đến sức ép kinh tế mà Đức đang đối mặt. Trong khi đó, liên minh năng lượng giữa OPEC và Nga trở nên ngày càng quan trọng với một số nhà lãnh đạo châu Âu, những người đang nỗ lực cải thiện quan hệ với các nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông, bất chấp những vấn đề bất đồng trước đó.
Đáng lo ngại nhất, việc nền kinh tế của các quốc gia "đói" nhiên liệu và lương thực đang dần sụp đổ có thể dẫn đến làn sóng di cư bất hợp pháp vào châu Âu ở quy mô lớn hơn nhiều so với dòng người di cư do chiến tranh từ Syria và Libya trước đó. Làn sóng di cư này sẽ kéo căng hệ thống phúc lợi xã hội và sự gắn kết xã hội của nhiều nước Nam Âu. Và với Mỹ, những cuộc khủng hoảng ở châu Âu rõ ràng không phải tin tốt cho nước này.
Theo VOV