Thấy trăng liềm ở phố ĐẶNG BÁ TIẾN
Không vừng không lúa trên cao Thiên đình dùng để gặt sao xâu cườm?
Trăng liềm như tỏa mùi thơm Tôi nghe thoang thoảng rạ rơm một thời Tôi nghe tiếng mẹ tôi cười "Mùa này mới thực vàng mười đó con"
Rồi liềm theo tiếng cười giòn Ra đồng cùng mẹ sắt son tháng ngày Tay chai từng ngón hao gầy Chiếc liềm vẫn ở trên tay của người Gặt xong liềm vẫn không rời: Cỏ non vỗ chú dê còi mượt lông Cỏ già che gió mùa đông Sim mua nuôi bếp lửa hồng reo vui...
Nhớ năm bão lũ dập vùi Mẹ đau nằm võng ngậm ngùi thở than Liềm nằm trên vách rỉ han Hai con mắt mẹ lệ tràn đẫm mi!
Phố phường bao nỗi níu trì Mải lo quên tiếng thầm thì mẹ xưa "Dẫu đời sớm nắng chiều mưa Mỗi năm hai vụ chiêm, mùa phải chăm"
Hái, liềm giờ đã xa xăm Xa mùi rơm rạ, dạ trăm nỗi niềm Đêm nay chợt thấy trăng liềm Quắt quay lòng nhớ mẹ hiền ngày xưa!
|
Thấy trăng liềm ở phố của nhà thơ Đặng Bá Tiến có kiểu lập tứ rất hay, giống như bài Cỏ may trên sân thượng của Nguyễn Trọng Tạo, Sim trên hè phố của Nguyễn Thanh Mừng và nhiều bài thơ khác nữa. Ở thi phẩm này, từ hình ảnh ánh trăng lưỡi liềm giữa bầu trời quang đãng, Đặng Bá Tiến giật mình nhớ đến chiếc lưỡi liềm suốt một đời gắn với người mẹ nghèo truân chuyên, vất vả. Từ đó, tứ thơ đi liền một mạch, xuyên suốt đến cuối bài, khi niềm vui chất ngất dâng cao, lúc tỉ tê trầm tư lắng vọng, để rồi cuối cùng giật mình "quắt quay lòng nhớ mẹ hiền ngày xưa" trong nỗi thảng thốt nghẹn lời trước vầng trăng lưỡi liềm giữa cõi trời cao xa, xanh biếc.
Thể thơ lục bát chưa hẳn là thế mạnh của nhà thơ Đặng Bá Tiến. Anh viết nhiều thể thức khác nhau: khi tự do; lúc năm, sáu, bảy chữ... tùy hứng. Nhưng đọc Thấy trăng liềm ở phố quả đã có sự hòa phối tuyệt vời giữa nội dung và hình thức biểu đạt. Bởi lẽ, viết về mẹ, lục bát vẫn đằm thắm nhất. Dường như ta nghe được lời ru dịu dàng từ làn điệu dân ca mà mẹ hát ngày nào: "vai gánh đàn con/ vai quảy dặm, vè" (Mẹ quê - Đặng Bá Tiến). Chính nhờ sự bật thốt tự nhiên bằng thể lục bát ấy, tác giả chộp ngay theo kiểu hứng được hai câu thơ đầu mộc mạc ví von của ca dao, câu đố dân gian kỳ thú: "Không vừng, không lúa trên cao/Thiên đình dùng để gặt sao xâu cườm?"
Từ ánh trăng lưỡi liềm nơi thị thành phố xá, tác giả bất chợt hoài niệm về một vùng quê tít tắp tuổi thơ: "Tôi nghe thoang thoảng rạ rơm một thời". Nhờ đó hình ảnh người mẹ ngày nào hiện lên thật sinh động, đầy ám ảnh. Tiếng cười và lời nói của mẹ cứ như hiện ra trước mắt, thân thương và xúc động: "Tôi nghe tiếng mẹ tôi cười/ "Mùa này mới thực vàng mười đó con". Phải nhớ mẹ đến cháy bào tâm thức mới có thể dựng lên chân dung người mẹ thông qua những nét giản đơn, chấm phá mà đầy ma lực ấy. Rồi hình tượng người mẹ được tác giả tái hiện qua một không gian cụ thể khi chiếc liềm theo mẹ ra đồng. Đến đây, người mẹ chân lấm tay bùn hiện lên thật đẹp đẽ qua rất nhiều công việc đồng áng mỗi ngày: "Tay chai từng ngón hao gầy/Chiếc liềm vẫn ở trên tay của người/Gặt xong liềm vẫn không rời:/Cỏ non vỗ chú dê còi mượt lông/Cỏ già che gió mùa đông/Sim mua nuôi bếp lửa hồng reo vui..."
Giọng thơ đang hứng khởi, reo vui như bếp lửa hồng từ sim mua của mẹ, từ tám dòng lục bát kết nối nhau trong một khổ thơ, bất giác thắt lại man mác ngậm ngùi khi mùa bão lũ dập vùi đi qua làng quê nghèo khó. Tất cả công lao cấy cày, gặt hái của mẹ giờ thành mây khói hết, chiếc liềm như người bạn tri âm cũng nằm trên vách rỉ han buồn thương cho đời mẹ tảo tần. Từ chiếc liềm trên trời cao lãng mạn gặt hái muôn sao, giờ thành chiếc liềm của đời mẹ gian lao cơ cực. Xa xót đến thắt lòng, tác giả như bừng tỉnh giữa cơn mê thành thị để rồi giật mình nhớ lời mẹ dặn năm xưa: "Dẫu đời sớm nắng chiều mưa/ Mỗi năm hai vụ chiêm, mùa phải chăm".
Khổ thơ kết bài là một hiện thực đắng chát, xa xót trước phận người nếm trải. Điệp từ "xa" được nhắc lại hai lần như một lời khẳng định về nỗi mất mát không gì bù đắp được. Làng quê cũ đã xa, mùi rơm rạ đã xa; đau đớn hơn, theo thời gian bóng mẹ bây giờ cũng ngàn thu hun hút, duy chỉ có ánh trăng lưỡi liềm vẫn treo giữa bát ngát cao xanh như một nỗi u hoài ngưng đọng không thôi: "Hái, liềm giờ đã xa xăm/Xa mùi rơm rạ, dạ trăm nỗi niềm".
Ân tình đậm sâu về mẹ được chưng cất thành lẽ sống, niềm tin yêu của tác giả giữa cuộc đời này. Nhờ đó, thi phẩm tìm được sự đồng điệu ở tấm lòng bạn đọc bởi tính phổ quát của ân tình mẫu tử thiêng liêng.
LÊ THÀNH VĂN