Quan tâm xây dựng, phát triển Đảng trong doanh nghiệp

23/07/2015 14:45

Giai cấp công nhân có lớn mạnh hay không thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải làm tốt công tác xây dựng Đảng.

Cách đây hơn 7 năm, ngày 28-1-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết số 20-NQ/TW về xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đã chỉ rõ: "Tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Tăng số lượng và chất lượng cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp; sớm thành lập tổ chức cơ sở đảng ở những doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp phù hợp với từng thành phần kinh tế".

Từ nghị quyết trên có thể thấy giai cấp công nhân có lớn mạnh hay không thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, tức là hạt nhân lãnh đạo doanh nghiệp phải thực sự lớn mạnh. Những năm gần đây, cùng với thực hiện mục tiêu đưa Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 thì số doanh nghiệp và công nhân lao động (CNLĐ) đã phát triển theo cấp số nhân. Hàng vạn lao động, phần lớn là lao động trẻ đã được vào làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, góp phần đưa tỷ trọng giá trị công nghiệp - dịch vụ của tỉnh ngày càng cao.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, đội ngũ CNLĐ còn non trẻ của tỉnh ta cũng còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân quyết định là chưa thu hút được đông đảo những người lao động, đoàn viên công đoàn, thanh niên ưu tú gia nhập Đảng; hệ thống tổ chức cơ sở đảng còn thiếu và yếu. Vì thế, vấn đề giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho CNLĐ, triển khai các nhiệm vụ chính trị trong doanh nghiệp, thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững ở không ít doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2014/NĐ-CP quy định cụ thể việc thành lập tổ chức chính trị- xã hội tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trong đó, điều 4 của nghị định đã quy định rất cụ thể việc thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên tại doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra chỉ tiêu mỗi công đoàn cơ sở (CĐCS) mỗi năm phát triển được một đảng viên. Ở tỉnh ta, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20, Tỉnh ủy cũng đã chỉ rõ "coi trọng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, khuyến khích các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện để tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội được thành lập, hoạt động thuận lợi".

Như vậy, chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến địa phương về vấn đề này đã khá đầy đủ. Nhưng tại sao công tác phát triển Đảng cũng như hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội trong doanh nghiệp vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt? Theo thống kê gần đây, toàn tỉnh mới chỉ có gần 700 doanh nghiệp trong tổng số hàng nghìn doanh nghiệp có CĐCS; nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức Đoàn thanh niên mặc dù rất đông CNLĐ trẻ. Cũng theo thống kê, từ khi có Nghị quyết 20, các cấp công đoàn đã giới thiệu được hàng nghìn đoàn viên gia nhập Đảng. Tuy nhiên, số đảng viên mới chủ yếu là viên chức vẫn nhiều, còn đảng viên mới là CNLĐ trực tiếp lao động trong các doanh nghiệp tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài còn ít.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta coi sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, trong đó giai cấp công nhân luôn là đội ngũ tiên phong. Vấn đề phát triển Đảng nói riêng, thành lập và củng cố hệ thống chính trị trong doanh nghiệp nói chung không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn là nhiệm vụ cách mạng lâu dài. Để xây dựng đội ngũ CNLĐ lớn mạnh, Đại hội Đảng bộ các cấp cần thảo luận về các giải pháp cũng như những nguyên nhân hạn chế việc thực hiện Nghị quyết 20. Cần quán triệt sâu sắc hơn nữa nghị quyết trong các cấp uỷ, công đoàn, quản lý doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư của nước ngoài. Trước hết, cần có kế hoạch thành lập và củng cố các tổ chức chính trị - xã hội như CĐCS, Đoàn thanh niên và tăng cường hoạt động thực sự, tránh bệnh hình thức. Từ đó, mỗi cấp, mỗi đơn vị cần có kế hoạch quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú của mình để giới thiệu với tổ chức Đảng. Với những doanh nghiệp đã có đảng viên, cần kiện toàn tổ chức theo Nghị định 98 của Chính phủ. Tổ chức Đảng và công đoàn cần hướng dẫn các quy trình từ bồi dưỡng đối tượng đến xem xét, quyết định kết nạp người vào Đảng theo đúng Điều lệ và cũng phù hợp với cơ chế, điều kiện sản xuất, kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp...

Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là nguyện vọng tha thiết của đa số CNLĐ. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển đảng viên, gây dựng tổ chức cơ sở đảng thành hạt nhân lãnh đạo doanh nghiệp hoàn thành tốt mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

NGUYỄN THẾ TRƯỜNG (TP Hải Dương)


(0) Bình luận
Quan tâm xây dựng, phát triển Đảng trong doanh nghiệp