Thảo luận tổ chiều 7-12, đại biểu các huyện Kinh Môn, Thanh Hà, Ninh Giang đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ xi măng cho nông dân làm đường ra đồng.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Nguyễn Văn Lực
Cần tiếp tục hỗ trợ xi măng làm đường ra đồngSau khi phản ánh những khó khăn khi tỉnh đột ngột không hỗ trợ xi măng để làm đường ra đồng, nhiều ý kiến đề nghị tỉnh cần xem xét lại quyết định này để tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) cho biết xây dựng đường giao thông là phong trào, người dân quyết tâm cao trong việc đóng góp nhưng vẫn cần tỉnh hỗ trợ xi măng để tạo cú hích. “Nếu có lợi cho dân nên làm. Đây là nguyện vọng không chỉ của Kinh Môn mà là tất cả các huyện”, ông Hùng đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà phản ánh người dân bức xúc vì tỉnh dừng hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nội đồng. Đây là việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và có tác dụng thúc đẩy phát triển sản xuất, tỉnh cần xem xét, bố trí nguồn ngân sách tiếp tục hỗ trợ nhân dân.
Làm rõ vấn đề này, theo ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí tỉnh có hạn nên khó hỗ trợ dàn trải và đồng loạt được. Ngoài ra đã có sự phân cấp đầu tư xây dựng. Các địa phương cố gắng bố trí ngân sách ưu tiên cho những tuyến đường quan trọng và xuống cấp nghiêm trọng.
Về tình trạng nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị việc xem xét công nhận các xã nông thôn mới cần có thêm việc đánh giá nợ và sự hài lòng của nhân dân, không làm bằng mọi giá. Liên quan đến kết quả giảm nghèo, ông Quang nghi ngờ số liệu giảm nghèo ở một số địa phương "không bình thường", có huyện giảm trên dưới 3%, có xã giảm trên 6%. Do vậy, những nơi giảm nhanh cần có đánh giá, kiểm tra lại cho đúng với thực tế.
Một số ý kiến đề nghị tỉnh có giải pháp cụ thể, đầu tư có trọng điểm cho những tiêu chí khó khăn nhất như cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, trường học.
Mong muốn tỉnh có hướng dẫn đến người dân trong huyện thực hiện việc chuyển đổi các vùng đã được quy hoạch, ông Nguyễn Tiến Tầng, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa đã, huyện đã phê duyệt quy hoạch các vùng đất trồng lúa, nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, đến thời điểm này tỉnh chưa có cơ chế để các địa phương triển khai các dự án nên các địa phương gặp khó khăn. "Quy hoạch xong nhưng không để làm gì. Một số người dân không chờ được nên đã tự ý đào ao thả cá, trồng cây ăn quả", ông Tầng nói.
Cắt ngang lời ông Tầng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị huyện hướng dẫn cho người dân làm dự án đối với những vùng đã được huyện quy hoạch, sau đó trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ khi dự án được phê duyệt, người dân mới được làm.
Không hài lòng với việc đầu tư cho vùng sản xuất tập trung thiếu định hướng, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp thì ngành nông nghiệp cần có định hướng, kế hoạch cụ thể để đầu tư cho vùng sản xuất của huyện Kinh Môn vì diện tích sản xuất vụ đông của huyện lớn. Đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) đề nghị việc đầu tư kinh phí để thực hiện đề án quy hoạch vùng phát triển tập trung trong năm 2017 thì tỉnh cần chỉ rõ lộ trình. Còn ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà thông tin rằng tỉnh đã triển khai một số đề án phát triển nông nghiệp nhưng chưa thấy bố trí ngân sách hỗ trợ cho bà con nông dân. Vì hiện nay yêu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng, nhất là theo tiêu chuẩn VietGAP nên tỉnh cần hỗ trợ tiền giống cho bà con để thúc đẩy sản xuất.
Nhận định mức đầu tư phát triển trong nông nghiệp còn thấp, nhất là đầu tư cho vùng sản xuất lúa, màu tập trung, ông Nguyễn Hữu Tiến, Bí thư Huyện ủy Kim Thành cho biết thêm: Huyện Kim Thành được tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với diện tích hơn 600 ha song đến nay nguồn vốn cấp chưa được 900 triệu. Vốn này chủ yếu hỗ trợ làm quy hoạch còn việc đầu tư tiếp theo thì chưa có. Do vậy tỉnh nên có vốn để đẩy nhanh quy hoạch vùng sản xuất tập trung; tiếp tục trợ giá giống cho nhân dân.
Lo ngại ô nhiễm môi trường
Đại biểu Lương Thu Hương (Kinh Môn)
Nêu thực trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) phản ánh thực trạng 11 bãi rác do tỉnh đầu tư và 18 bãi rác do huyện đầu tư trên địa bàn huyện đều đang trong tình trạng quá tải, cơi cao đến 3m. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Tỉnh đã triển khai đề án thu gom xử lý rác thải nhưng quy mô quá rộng. Do đó, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, tỉnh nên cho địa phương chủ động kêu gọi đầu tư trong việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn), đến 2018, tỉnh mới đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải ở các huyện thì hơi muộn. Đại biểu Hùng cho rằng 2 năm nữa thì lượng rác rất nhiều. Nếu cứ mở rộng bãi rác thì gây lãng phí đất, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, phát sinh mầm mống bệnh tật. Đại biểu Hùng đề nghị tỉnh cần có chủ trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức quan trắc môi trường, nhất là các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có biện pháp xử lý.
Không chỉ ô nhiễm môi trường nông thôn, đại biểu Lương Thu Hương (Kinh Môn) phản ánh kênh T2 từ ngã tư máy Sứ đến cầu Cất (TP Hải Dương) thường xuyên bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Khu phố Hào Thành gần Bệnh viện Quân y 7 cũng trong tình cảnh tương tự.
NHÓM PV