Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho người khuyết tật và trẻ mồ côi.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh tặng quà cho trẻ khuyết tật, mồ côi tại huyện Bình Giang
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Hải Dương (Hội Bảo trợ tỉnh) được thành lập từ năm 1993. Hội là một tổ chức xã hội đặc thù vì người khuyết tật (NKT), có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho hơn 35.751 NKT và 3.650 trẻ mồ côi (TMC) trên địa bàn tỉnh vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Những năm qua, nhờ Luật NKT ra đời cùng sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, hoạt động của Hội Bảo trợ tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Từ năm 2010 đến nay, Hội Bảo trợ tỉnh đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cơ bản của Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2010-2015. Để có được kết quả này, hội đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các địa phương khảo sát, điều tra, thống kê NKT và TMC. Hội đã chủ trì vận động và phối hợp hỗ trợ tiền và hiện vật tổng trị giá gần 7 tỷ đồng, vượt 1,5 lần so với nghị quyết. Có 5.486 lượt NKTvà TMC được hỗ trợ, giúp đỡ. Trong đó, đã tổ chức khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho 1.830 NKT; phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho 96 trẻ khuyết tật vận động có hoàn cảnh khó khăn; khám sàng lọc tim bẩm sinh cho 95 em; tặng 565 xe lăn cho NKT, tặng 270 xe đạp cho trẻ khuyết tật và mồ côi; tặng 1.300 suất quà và 300 suất học bổng cho NKT và học sinh nghèo vượt khó; dạy nghề cho 200 NKT... Ngoài ra, Hội Bảo trợ tỉnh còn phối hợp trợ giúp NKT, TMC thông qua các chương trình sinh kế hỗ trợ NKT ở xã Nhân Huệ (Chí Linh) nuôi lợn thịt, do tổ chức phi chính phủ Đan Mạch tài trợ gần 200 triệu đồng. Qua 5 năm thực hiện, các hộ đã chăn nuôi hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Hội còn vận động Trung ương hội, một số cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh và 3 tổ chức nhân đạo của Hàn Quốc tài trợ 1,6 tỷ đồng để nâng cấp nhà trẻ thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng), tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật, TMC và các trẻ có hoàn cảnh khó khăn khác được học tập, nuôi dưỡng tốt hơn.
Cùng với trợ giúp, hoạt động tuyên truyền cũng được Hội Bảo trợ tỉnh chú trọng. Hội đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan tới NKT, TMC; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thành công nhiều hội nghị, tọa đàm, biểu dương NKT, TMC, người bảo trợ tiêu biểu. Hội phối hợp dàn dựng nhiều chương trình ca nhạc, giới thiệu giọng hát, tài năng nghệ thuật biểu diễn, sáng tạo thơ văn, mỹ thuật, làm nghề thủ công mỹ nghệ... của NKT. Năm 2011, hội phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức biểu diễn, thu được trên 300 triệu đồng bổ sung vào Quỹ Bảo trợ. Năm 2014, Tỉnh hội tổ chức đoàn nghệ thuật không chuyên của NKT đi dự hội thi "Tiếng hát NKT toàn quốc lần thứ nhất" đạt kết quả cao. Trong số 5 tiết mục dự thi thì 4 tiết mục có huy chương, gồm 1 huy chương vàng và 3 huy chương bạc, toàn đoàn được Cục Thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng giấy khen.
Có thể nói, 5 năm qua, công tác trợ giúp NKT và TMC của Hội Bảo trợ tỉnh đạt kết quả khá toàn diện nhưng vẫn còn một số hạn chế. Đó là việc huy động tiền và hiện vật để trợ giúp NKT, TMC chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Vẫn còn không ít người trong xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử đối với NKT và TMC. Do nhận thức chưa đầy đủ về các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về NKT và TMC nên một số cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm trợ giúp; nhiều NKT tuy đã có tay nghề nhưng xin việc làm gặp không ít khó khăn...
Trong giai đoạn 2015-2020, Hội Bảo trợ tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, tình cảm và trách nhiệm của mọi người dân đến NKT và TMC. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tăng cường xã hội hóa; tích cực tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh, của Trung ương Hội Bảo trợ Việt Nam; mở rộng xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với các sở, ban, ngành, đoàn thể. Tích cực vận động các tầng lớp nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm... trợ giúp NKT, TMC, giúp họ cải thiện sức khỏe và cuộc sống, tạo điều kiện cho họ vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục vận động xây dựng hệ thống tổ chức hội tới 12 huyện, thị xã, thành phố, phấn đấu xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh toàn diện.
Hội Bảo trợ tỉnh phấn đấu vận động quỹ hội đạt từ 7,5 đến 8,5 tỷ đồng, bình quân mỗi năm từ 1,4 đến 1,6 tỷ đồng. Ở các hội cấp huyện, phấn đấu mỗi năm vận động, trợ giúp trực tiếp từ 100 đến 200 triệu đồng; tạo việc làm cho từ 300 - 400 NKT; khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, thay thủy tinh thể cho 1.800 - 2.000 người; dạy nghề cho 200 - 250 NKT; tặng xe lăn, xe lắc cho 500 - 600 NKT; tặng 250 xe đạp cho trẻ khuyết tật, mồ côi; vận động hỗ trợ 7 nhà tình thương. Ngoài ra, phấn đấu trợ cấp thường xuyên cho từ 10-20 đối tượng; thăm, tặng quà cho 2.600 NKT, TMC; tặng 300 suất học bổng cho trẻ khuyết tật, TMC; vận động hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo cho 30 đến 50 hộ NKT, thực hiện chương trình hỗ trợ NKT tại 1 đến 2 xã đang xây dựng mô hình nông thôn mới...
KHÚC KIM TÍNH
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Hải Dương