Gia đình là tế bào của xã hội, của quốc gia. Đối với người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, gia đình là một giá trị xã hội quan trọng bậc nhất.
Trải qua bao thăng trầm, dù có biến đổi nhưng lịch sử vẫn khẳng định vai trò to lớn của gia đình Việt Nam trong công cuộc xây dựng, đấu tranh gìn giữ nền độc lập tự chủ, đặc biệt là trong việc kiến tạo, xây đắp nên nền văn hóa đặc sắc của dân tộc ta. Những giá trị truyền thống như: yêu nước, yêu quê hương, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, bất khuất kiên cường trong chiến đấu… đã được hun đúc hàng ngàn năm nay vẫn được giữ gìn và phát huy.
Hiện nay, mô hình gia đình mới có thể không hoàn toàn giống như mô hình gia đình trong quá khứ. Song không phải là một gia đình phá bỏ hết mọi truyền thống và kỷ cương vốn có. Với quan điểm “gạn đục khơi trong”, chúng ta đã chắt lọc được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa gia đình của các nước trên thế giới để xây dựng các tiêu chí gia đình trong thời hội nhập quốc tế. Vì vậy, gia đình Việt Nam hiện đại không chỉ tỏ rõ sức sống mà còn hết sức năng động. Một trong những tiêu chí ấy chính là dân chủ gia đình. Điều này, đã tạo ra môi trường thuận lợi để các thành viên có thể phát huy đầy đủ năng lực, sở trường, tạo điều kiện để các gia đình góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, cung cấp nhân tài cho xã hội, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị tốt đẹp của gia đình đang được phát huy, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội thì một số gia đình do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, nhất là sự tiếp thu thiếu chọn lọc nền văn hóa phương Tây. Biểu hiện là mối quan hệ giữa các thành viên trong một số gia đình ngày càng lỏng lẻo; vai trò của cha mẹ hạn chế, thậm chí làm ảnh hưởng xấu đối với con cái; bạo lực gia đình gia tăng, tình trạng tảo hôn, ly thân, ly hôn, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng… Nguy hại hơn, có người lại ngụy biện rằng: “Đó là một thực trạng tất yếu. Càng bước vào thời kỳ hiện đại, vai trò của gia đình càng mờ nhạt, con người phải được giải phóng ra khỏi mọi ràng buộc của tôn ti trật tự trong lễ giáo cũ kỹ lỗi thời”. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của xã hội.
Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Đây là công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài và cũng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải nhận thức một cách đầy đủ vị trí, vai trò của gia đình. Các cấp ủy Đảng cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Quan tâm công tác giáo dục đời sống gia đình, vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác tích cực thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện tốt hương ước, quy ước, Quy chế dân chủ. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, kiên quyết xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và nạn bạo hành trong gia đình.
NGUYỄN VĂN THANH(Quảng Trị)