Quan tâm đến truyện tranh của trẻ em

26/08/2011 15:08

Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm việc xuất bản, phát hành truyện tranh theo quy định.

Có thể nói truyện tranh là một sản phẩm văn hóa đặc biệt, một sản phẩm mang tính chất trung gian giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn, được mọi người nói chung, nhất là trẻ em nói riêng rất ham thích. Nội dung các chủ đề truyện tranh rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày mang tính chất “vi tự sự” như trò chơi, tình bạn, viễn tưởng, thần thoại... Truyện tranh được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa của các bộ môn nghệ thuật cơ bản: văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh và hội họa, trong đó văn học giữ vai trò chính. Truyện tranh thời nay được sản xuất theo công nghệ hiện đại do đó hình ảnh rất đa dạng, phong phú, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt.

Với những tính chất trên, truyện tranh đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Nó giúp các em có được giây phút giải trí bổ ích, thoải mái, giúp phát triển tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng, tạo tiền đề cho sự phát triển trí tuệ sâu sắc, tâm hồn phong phú ở các em.

Đáng tiếc là trong thời gian qua, trên thị trường sách, báo đã có quá nhiều truyện tranh mang tính chất phản cảm, có nội dung thiếu lành mạnh, có tác dụng tiêu cực, làm hủy hoại sự phát triển nhân cách tốt đẹp của trẻ em. Những truyện tranh về tình yêu tuổi học trò được phơi bày một cách thô thiển, thiếu văn hóa bằng những hình vẽ phản tác dụng giáo dục: khoe thân lộ liễu, trang phục hở hang, mỏng manh mang tính chất khêu gợi tình dục. Không ít truyện tranh dùng những câu chữ cộc lốc, thô tục. Bên cạnh các ngôn ngữ trên là những hành động có tính bạo lực, đấm đá, xúc phạm danh dự người khác...

Trên thị trường truyện tranh thiếu niên, nhi đồng hiện nay bị mất cân đối giữa nhu cầu đọc của đông đảo trẻ em với số lượng ít ỏi đầu sách hay cần đọc; sự lấn át của các thể loại truyện tranh dịch thuật từ nước ngoài. Mặc dù đã có nhiều biện pháp giám sát chặt chẽ việc xuất bản, phát hành các loại truyện tranh để bảo đảm sự trong sáng về tâm hồn cho các em, nhưng trong các hiệu sách, các quầy sách vỉa hè vẫn bày bán quá nhiều loại truyện tranh ít có tác dụng giáo dục.

Để khắc phục sự tràn lan của thể loại truyện tranh phản cảm trên thị trường sách hiện nay, theo chúng tôi, cần có sự phối hợp đồng bộ mang tính chất hệ thống từ trên xuống dưới của các cơ quan có trách nhiệm quản lý việc xuất bản, phát hành với sự hỗ trợ tích cực của các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo, các anh chị phụ trách Đoàn, Đội và các tổ chức đoàn thể xã hội. Định hướng cho trẻ em chọn đọc những truyện tranh có nội dung, hình thức lành mạnh, hấp dẫn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, rèn luyện cho các em khả năng khái quát, tổng hợp nội dung sau khi đọc một tập hoặc nhiều tập truyện tranh có cùng chủ đề tư tưởng. Hướng dẫn các em tìm tòi, khám phá những điều bí ẩn, những cái mới ẩn sau những bức tranh không được phơi bày một cách trực tiếp; tổ chức cho các em tham gia các hội thi kể chuyện; có chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với các tác giả sáng tác truyện tranh cho trẻ em; hạn chế việc xuất bản truyện tranh nước ngoài; xử lý nghiêm minh, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm việc xuất bản, phát hành truyện tranh theo quy định.

TS. PHẠM TRUNG THANH (Trường Đại học Thành Đông)

(0) Bình luận
Quan tâm đến truyện tranh của trẻ em