Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhiều loài thủy sản được xếp vào loại đặc sản. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, người dân đã áp dụng các hình thức khai thác thủy sản tiêu cực, đang làm cạn kiệt và từng bước tận diệt nguồn lợi thủy sản.
|
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và Chi cục Thủy sản tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an toàn giao thông.
|
Tỉnh ta có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều tuyến sông rộng, độ sâu lớn, nguồn thức ăn thủy sinh dồi dào… Nhiều loài thủy sản được xếp vào loại đặc sản, như cà ra, cá vược, cá lăng, ba ba sông… Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt nên từ nhiều năm nay người dân đã áp dụng các hình thức khai thác thủy sản (KTTS) tiêu cực, đang làm cạn kiệt và từng bước tận diệt nguồn lợi thủy sản…
Theo thống kê, khảo sát của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh), ở 14 tuyến sông quốc gia và 6 tuyến sông trên địa bàn tỉnh hiện có 330 phương tiện của 143 hộ dân với 447 nhân khẩu làm nghề đánh bắt thủy sản. Hầu hết các hộ dân sử dụng các hình thức khai thác tận diệt. Nguy hiểm nhất là các hình thức đánh bắt thủy sản bằng loại lưới mắt nhỏ, dùng xung điện, chất nổ và hóa chất. Các loại lưới mắt nhỏ (còn được gọi là lưới “diệt chủng”) khi sử dụng sẽ đánh bắt hết các loài thủy sản mới sinh nở. Hậu quả càng nghiêm trọng hơn là dùng loại dụng cụ nàỵ đánh bắt vào mùa sinh sản của các loài thủy sản. Việc dùng hóa chất hòa tan trên một khúc sông hoặc thả xuống đầu nguồn để khai thác thủy sản cũng để lại hậu quả nặng nề, các loài thủy sản dù sống sót cũng không thể sinh trưởng. Ngoài ra, hành vi này còn gây hại đến nguồn nước sinh hoạt, nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe của người sử dụng sản phẩm thủy sản, bởi nguy cơ nhiễm độc là rất cao. Việc dùng xung điện đánh bắt thủy sản không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển của các loài thủy sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng của chính những người KTTS. Hình thức đánh bắt thủy sản bằng xung điện đã bị cấm triệt để, nhưng do giá thành một bộ dụng cụ này rẻ, sử dụng đơn giản, hiệu quả cao nên nhiều người vẫn cố tình sử dụng. Ở một số địa phương, việc xử lý hành vi dùng xung điện chưa kiên quyết nên hình thức đánh bắt thủy sản này đang có chiều hướng gia tăng.
|
Dùng kích điện đánh bắt cá làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Ảnh chụp tại xã Cẩm Định (Cẩm Giàng). Ảnh: M.M
|
Ngay ở TP Hải Dương, HTX Cá-Cát Kim Lai hiện có 107 hộ dân với 357 nhân khẩu chuyên nghề KTTS thì cả 107 hộ dùng hình thức đánh bắt thủy sản bằng xung điện, có gia đình dùng tới mấy bộ đồ nghề. Ông Lê Văn Tám, chủ nhiệm HTX thừa nhận: Với cách thức tổ chức, quản lý xã viên như hiện nay thì ban chủ nhiệm HTX không thể ra quy định cấm việc sử dụng các hình thức KTTS bằng xung điện, thuốc nổ hay hóa chất. Việc bỏ các hình thức đánh bắt này phải tùy thuộc vào ý thức của chính những người làm nghề KTTS. Tuy nhiên, nhận thức của phần lớn người dân còn hạn chế và đời sống của họ còn quá khó khăn nên không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Theo một số người làm nghề KTTS, ngoài các hình thức đánh bắt thủy sản tiêu cực như hiện nay thì việc khai thác cát, sỏi cũng làm luồng lạch thay đổi, nguồn thức ăn thủy sinh không phát triển, lòng sông sâu khiến các loài thủy sản cũng ngày càng khan hiếm.
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, ngày 9-6-2009, Liên Cục Cảnh sát giao thông đường thủy (Bộ Công an) - Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có Quy chế phối hợp hoạt động về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trong lĩnh vực thủy sản trên đường thủy nội địa. Cụ thể hóa quy chế này, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh) và Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có nhiều chương trình hoạt động nhằm chấn chỉnh và tuyên truyền đến người làm nghề KTTS trên địa bàn. Hai đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát trên các tuyến sông có đông người làm nghề đánh bắt thủy sản để phát phiếu tuyên truyền, kiểm tra và nhắc nhở người dân không sử dụng các hình thức khai thác bị cấm. Tổ chức họp với các khu dân cư làm nghề KTTS để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân. Đồng thời, phân tích các tác hại của việc KTTS tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của chính người dân và gây nguy hại môi trường nước. Đề nghị các khu dân cư tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ các hình thức khai thác tự phát; ký cam kết với các hộ dân làm nghề, chủ các phương tiện trên sông không vi phạm quy định của pháp luật.
Theo quy định của các Luật Giao thông đường thủy, Thủy sản và Bảo vệ môi trường, nghiêm cấm những người KTTS sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các phương pháp có tính hủy diệt khác; không đặt cố định ngư cụ, phương tiện trên luồng chạy tàu gây cản trở hoạt động giao thông đường thủy; phải có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Để thực hiện tốt các quy định này, đặc biệt là để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
TIẾN HUY