Có trên 6.000 hộ tại 29 xã ở 11 huyện, thị xã vay vốn đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sạch, cống thoát nước thải... góp phần cải tạo môi trường sống ở nông thôn.
|
"Ngày thứ bảy xanh" - một hình thức cộng đồng tham gia tổng vệ sinh xóm làng đang thành phong trào tốt ở nhiều xã tham gia Dự án "Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn"Ảnh tư liệu |
Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (NS-VSMT) do Thủ tướng Chính phủ phát động từ ngày 29-4 đến ngày 6-5 hằng năm. Tỉnh ta xác định mục tiêu lớn nhất trong tuần lễ là đưa công tác bảo vệ môi trường vào nền nếp. Vì vậy, hằng năm, tỉnh ta không chỉ tổ chức tốt tuần lễ mà còn kéo dài đợt cao điểm tổ chức các hoạt động về bảo đảm NS-VSMT đến Ngày Môi trường thế giới (5-6).
Khu vực nông thôn tỉnh ta hiện có 38 trạm cấp nước sạch tập trung, với tổng công suất trên 21 nghìn m3/ngày, đêm, đủ khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 210 nghìn người. Năm qua, nhân dân đã tự đầu tư cải tạo và làm mới hàng chục nghìn bể chứa nước mưa, giếng khơi, cải tạo thêm hơn một vạn chuồng trại chăn nuôi có xử lý chất thải hợp vệ sinh, gần 15 nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh, hàng nghìn hầm bi-ô-ga… nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 79,6%, số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh 74%, chuồng trại hợp vệ sinh 56,3%.
Nhiều tổ chức quần chúng tham gia tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia về NS - VSMTNT. Trong đó, Hội Phụ nữ các cấp triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, góp phần từng bước cải thiện môi trường sống khu vực nông thôn. Thực hiện quản lý điều hành "Quỹ quay vòng vốn cho cấp nước và vệ sinh hộ gia đình" do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ, nhằm thay đổi hành vi vệ sinh, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, tăng cường năng lực cộng đồng. Sau hơn 4 năm thực hiện, có trên 6.000 hộ tại 29 xã ở 11 huyện, thị xã vay vốn đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sạch, cống thoát nước thải... góp phần cải tạo môi trường sống ở nông thôn.
Thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền (Bình Giang) một làng quê điển hình về xây dựng nông thôn mới. Công tác VSMT ở đây do chi hội Hội Phụ nữ của thôn đảm nhiệm. Vào các ngày thứ 2, 4 và 6 hằng tuần, các chị em trong tổ vệ sinh thay nhau giữ gìn làng xóm xanh, sạch, đẹp. Đến nay, toàn huyện Bình Giang đã có gần 70 tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, với gần 300 thành viên. Cũng giống như xã Nhân Quyền, Hội Phụ nữ xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) đã tích cực tuyên truyền không đổ rác bừa bãi. Xã thành lập đựợc 16 tổ phụ nữ tự quản, tổng vệ sinh môi trường làng, xóm vào ngày 25 hằng tháng; 8 tổ đi thu gom rác 3 lần/ tuần trên các tuyến đường trong các khu dân cư. Hội Phụ nữ xã Tân Kỳ còn tích cực vận động hội viên tham gia lắp đặt đường ống dẫn nước. Lúc đầu, nhiều người dân băn khoăn vì phải mất tiền đầu tư đường ống, trả tiền nước hằng tháng. Hội Phụ nữ xã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức nên tỷ lệ người dân dùng nước sạch trong xã tăng dần. Đến nay, hầu hết các hộ dân ở Tân Kỳ đã sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống và sinh hoạt.
Hiện nay, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ở tỉnh ta khá cao, nhưng chưa đồng đều. Mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng đến nay còn một số công trình cấp nước sạch tập trung chưa đi vào hoạt động sau nhiều năm xây dựng, do cơ sở vi phạm cam kết về vốn đối ứng. Điển hình như các trạm cấp nước Hiệp Hoà (Kinh Môn) xây dựng năm 2000, Hưng Long (Ninh Giang) năm 2001, Lê Hồng (Thanh Miện) năm 2003... Hầu hết các trạm đang hoạt động chỉ đạt trung bình từ 65 - 70% công suất thiết kế, thậm chí có công trình mới chỉ đạt 20-30% công suất như Hà Kỳ (Tứ Kỳ), Tân Trào (Thanh Miện), Vĩnh Tuy (Bình Giang)... Tỷ lệ thất thoát nước còn cao (30 - 33%), chủ yếu do một số hạng mục công trình đã xuống cấp, phần xây đúc như bể chứa, bể lọc đã bị nứt, lún; thiết bị khử trùng hư hỏng, bơm, van, đường ống thép bị hoen, gỉ do không thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa; đường ống cấp nước bị gẫy, vỡ gây thất thoát nước do tác động của các phương tiện giao thông hoặc vận hành không đúng quy trình, không tuân thủ theo thiết kế về chủng loại vật tư, chất lượng thi công. Năng lực quản lý các trạm cấp nước còn hạn chế, công nhân thu nhập thấp và thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo chuyên sâu... Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Hà cho biết, toàn thị trấn có 2.200 hộ, nhưng chỉ khoảng 400 hộ được sử dụng nước sạch do mắc nhờ trạm cấp nước sạch phục vụ các cơ quan.
Khu vực nông thôn toàn tỉnh hiện mới có hơn 74% số hộ dân sử dụng 4 loại nhà tiêu hợp vệ sinh gồm nhà tiêu hai ngăn ủ phân tại chỗ, nhà tiêu chìm có ống thông hơi, nhà tiêu thấm dội nước và nhà tiêu tự hoại. Nhưng một số huyện có tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp dưới 65% như Gia Lộc, Thành Hà, Kinh Môn... Còn 3,7% số hộ chưa có nhà tiêu. Hệ thống chuồng trại ở nhiều nơi cũng chưa hợp vệ sinh. Tỉnh ta hiện chỉ có 56,3% số chuồng trại chăn nuôi được đánh giá là hợp vệ sinh, có huyện dưới 50% như Cẩm Giàng, Kinh Môn... Hầu hết các trường học, trạm y tế, UBND xã đã có các công trình cấp nước và nhà vệ sinh. Tuy nhiên, các công trình này đều cũ, quy mô nhỏ, thậm chí đang hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhiều công trình mới xây dựng nhưng thiếu đồng bộ giữa cấp nước và vệ sinh. Các điểm chợ và làng nghề hầu hết chưa có các công trình cấp nước và nhà tiêu công cộng. Rác thải, chất thải từ hoạt động sản xuất, buôn bán chưa được thu gom, quản lý. Nguồn nước thải, chất thải của các làng nghề như giết mổ gia súc, sản xuất bún, bánh và các nghề chế biến khác vẫn chưa có quy trình xử lý làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
Mỗi người dân cần có những việc làm thiết thực góp phần bảo đảm NS-VSMT như dọn vệ sinh nhà ở, nơi công cộng, khơi thông cống rãnh, trồng và chăm sóc cây xanh, thu gom và xử lý rác thải, thi công nhanh các công trình nước sạch, xây dựng và cải tạo 3 công trình vệ sinh…
THÀNH LONG