Việc thu mua nông sản thiếu sự quản lý hiện nay không chỉ khiến nhiều nông dân phải chịu thiệt thòi mà nhiều doanh nghiệp chế biến gặp khó...
Vì bán nông sản không ký hợp đồng nên nông dân thường bị tư thương ép giá
Hiện nay, việc hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vụ đông đã tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, quy trình thu mua nông sản còn bộc lộ nhiều lỗ hổng và thiếu sự quản lý từ các ngành chức năng.
Những ngày này, các con đường vào xã Gia Xuyên (Gia Lộc), xe ô-tô tải tấp nập thu mua rau vụ đông. Người dân phấn khởi vì rau được thương lái thu mua tận ruộng. Nhưng nhớ lại vụ đông năm trước, ông Nguyên Văn Huân ở thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên không khỏi băn khoăn: “Cuối vụ đông năm ngoái, không ít hộ dân ở đây thu hoạch rau cải bắp chất đống không bán được vì các tư thương ép giá. Một số hộ đã thỏa thuận với thương lái mua “vo” tại ruộng, nhưng vì giá rẻ, thương lái không quay lại. Do chỉ hợp đồng “bằng miệng” nên nông dân đành “ngậm đắng nuốt cay” phá rau làm thức ăn cho cá hoặc ủ thành phân bón lúa”. Toàn xã cũng có hơn chục gia đình làm dịch vụ thu mua nông sản, xuất bán cho các tỉnh ở miền Trung và Nam bộ. Tuy nhiên, mối liên kết trong quá trình thu mua nông sản giữa nông dân và tư thương chưa chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Gia Xuyên: “Mỗi vụ đông, ngoài các tư thương tại địa phương, còn có rất nhiều thương lái từ nơi khác đến thu mua nông sản. Việc chính quyền địa phương đứng ra quản lý cũng gặp nhiều khó khăn vì bản thân người nông dân và tư thương thực hiện mua bán không ký kết hợp đồng bằng văn bản.
Thời gian gần đây, nông dân bị tư thương ép giá dẫn đến hậu quả “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra. Người nông dân bán rau tại ruộng với giá rẻ nhưng đến các chợ, người tiêu dùng phải mua với giá gấp đôi, gấp ba. Thậm chí, theo phản ánh của nhiều nông dân, cùng một loại rau nhưng tùy theo từng vùng, tư thương mua với giá khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều thương lái lợi dụng sự kém hiểu biết của nông dân, tạo dư luận không tốt để thu mua nông sản với giá thấp hơn giá trên thị trường. Nhà nước hiện chưa có cơ chế nào để quản lý thu mua nông sản giữa tư thương và nông dân nếu quá trình thu mua chỉ được giao kèo bằng "miệng".
Nông sản vụ đông sớm thường dễ tiêu thụ, không bị tư thương ép giá. Trong ảnh: Nông dân xã Gia Xuyên
(Gia Lộc) thu hoạch bắp cải vụ đông sớm, lãi 3 triệu đồng/ sào. Ảnh: Thành Chung
Việc thu mua nông sản thiếu sự quản lý hiện nay không chỉ khiến nhiều nông dân phải chịu thiệt thòi mà nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Có mặt trên thị trường từ năm 1992, Xí nghiệp Chế biến nông sản xuất khẩu Hùng Sơn ở xã Vĩnh Hoà (Ninh Giang) đã nghĩ tới thu mua nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, với cách làm ăn “chộp giật” của người dân, doanh nghiệp đã nhiều lần rơi vào cảnh khó khăn. Ông Chu Văn Hùng, Giám đốc xí nghiệp, cho biết: “Cách đây mấy năm, tôi đã đầu tư hơn 20 triệu đồng cho các hộ dân ở Chí Minh (Chí Linh) trồng ớt xuất khẩu. Sau gần 2 tháng, ớt được thu hoạch nhưng nông dân ở đây lại bán hết ra bên ngoài. Gần đến ngày phải xuất lô hàng đầu tiên cho Đài Loan nhưng đơn vị không có nguyên liệu để sản xuất”. Nguyên nhân chủ yếu là do trong quá trình thực hiện mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu chế biến chưa chặt chẽ. Tỉnh ta lại chưa có cơ chế xử phạt đối với một trong hai bên vi phạm hợp đồng.
Theo ông Mai Văn Hội, Phó giám đốc Sở Công thương: Nông dân vẫn chưa quen bán nông sản qua việc ký hợp đồng. Khi có lợi, hai bên bắt tay nhau nhưng khi có sự cố xảy ra thì một trong hai bên tìm cách “phá” cam kết. Ngay cả khi đã ký hợp đồng rồi cũng dễ bị vi phạm. Thời gian qua, Sở Công thương đã thực hiện hai đề án lớn trong tiêu thụ, thu mua nông sản giữa doanh nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp với nông dân theo Quyết định số 80 ngày 24-2-2002 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản theo hợp đồng. Mục đích thực hiện đề án này là nhằm hạn chế tình trạng phá vỡ hợp đồng. Thời gian tới, Sở Công thương cần thường xuyên tổ chức các hội thảo giữa doanh nghiệp và nông dân để giúp họ nhận thức ý nghĩa của việc ký kết hợp đồng thu mua nông sản. Ngoài ra, mối liên kết “4 nhà” cũng cần được tăng cường. Để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của nông dân và doanh nghiệp, giá nông sản cũng cần được công khai, minh bạch. Khi các chợ đầu mối niêm yết giá rau rõ ràng thì giá rau tại các chợ dân sinh cũng không thể tăng, giảm vô lý. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán của các tư thương thu mua nông sản để hạn chế tình trạng các tư thương móc nối, gìm giá, ép nông dân bán nông sản với giá rẻ. Về lâu dài, các địa phương cần xây dựng các vùng sản xuất tập trung, giảm dần khâu trung gian. Các doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh hài hòa lợi ích của hai bên để giảm thiểu rủi ro cho bản thân và nông dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa bền vững.
HẢI MINH