Để giảm bớt rủi ro, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các DN đã thực hiện nhiều giải pháp, bước đầu phát huy hiệu quả.
Quản lý rủi ro giúp giảm áp lực thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất
tại Công ty TNHH Kefico Việt Nam (khu công nghiệp Đại An). Ảnh: Thành Chung
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp (DN) thường phải đối mặt với nhiều rủi ro có thể dẫn đến thua lỗ, phá sản. Để giảm bớt rủi ro, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các DN đã thực hiện nhiều giải pháp, bước đầu phát huy hiệu quả.
Dựa trên hệ thống dữ liệuLà một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng phương pháp quản lý rủi ro DN, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để thu thập thông tin về tín dụng của các ngân hàng và lưu trữ thông tin các khoản vay của khách hàng. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp các ngân hàng có được thông tin đánh giá về DN vay vốn. Khi DN có nhu cầu đăng ký các khoản vay, mỗi ngân hàng sẽ dựa vào CIC để kiểm tra thông tin, bảo đảm lịch sử vay vốn của DN là an toàn, không có nợ xấu trước khi đưa ra quyết định cho vay. CIC là hệ thống quản lý rủi ro DN chung của ngành ngân hàng. Ngoài ra, mỗi ngân hàng đều có cách quản lý rủi ro DN riêng.
Hằng năm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đông đều "khoanh vùng" các lĩnh vực, nhóm ngành nghề tập trung cho vay. Bằng hệ thống chấm điểm với hơn 30 tiêu chí, chi nhánh phân loại được các DN để xây dựng chính sách ưu đãi khác nhau. Bên cạnh đó, chi nhánh thường xuyên mở các khóa đào tạo, tập huấn để nhân viên tín dụng nâng cao kỹ năng nhận diện, giám sát và xử lý rủi ro DN. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đông cho biết: "Hiện chi nhánh có gần 200 DN vay vốn. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp quản lý rủi ro, nợ xấu của chi nhánh rất thấp, chỉ 0,2% trong tổng dư nợ khoảng 2.000 tỷ đồng".
Đến nay, tất cả các DN vay vốn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Hải Dương đều trả tiền đúng hạn, chưa phát sinh nợ xấu. Có được kết quả này là do chi nhánh đã thực hiện tốt việc quản lý rủi ro trong quá trình DN vay vốn. Ông Trần Danh Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Hải Dương cho biết: "Chi nhánh đã phân loại rủi ro, thẩm định chặt chẽ hồ sơ vay vốn của DN. Cán bộ của chi nhánh thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn".
Cuối năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 204/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thông tư hướng dẫn cụ thể các biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của ngành thuế như thu thập, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu liên quan đến người nộp thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro, đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro, giám sát DN có nguy cơ gian lận thuế... Tổng cục Thuế cũng đã ban hành những quy định riêng, xác định rõ các tiêu chí để quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế. Do đó, việc thanh tra, kiểm tra DN liên quan đến các vấn đề về thuế đã đúng và trúng hơn. Đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết nhiều năm nay, 100% số cuộc thanh tra, kiểm tra DN của đơn vị đều phát hiện sai phạm, truy thu tiền cho ngân sách.
Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tinTháng 4.2015, liên Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ đã ban hành thông tư liên tịch về quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập. Đầu năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng có thông tư hướng dẫn việc trao đổi thông tin giữa hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN và thông tin thuế.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Quản lý rủi ro DN là việc làm cần thiết, làm thay đổi căn bản tư duy trong công tác quản lý. Quản lý rủi ro DN sẽ góp phần giảm tải áp lực thanh tra, kiểm tra đối với DN. Đồng thời, giúp cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm hơn. Cuối tháng 6 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh. Quy chế này quy định mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong việc trao đổi, cung cấp, công khai thông tin DN. Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của DN...
Để quản lý được rủi ro DN, ngoài các hệ thống, quy chế riêng của từng ngành, từng lĩnh vực thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan. Đồng thời, mỗi ngành tùy vào từng thời điểm cần xác định được lĩnh vực nhiều rủi ro để tập trung quản lý thì mới đem lại hiệu quả rõ rệt.
LAN NGUYỄN