Nhiều lao động Trung Quốclàm việc trái phép tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề nổicộm, gây bức xúc trong dư luận...
Bài 1: Nhan nhản lao động trái phép
"Đại bản doanh" của Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Đường cao tốc Trường Đại Quảng Đông và Công ty
Hợp tác kỹ thuật kinh tế quốc tế Quảng Châu (Trung Quốc), tại thôn Tứ Kỳ Thượng (xã Ngọc Kỳ)"Đại bản doanh" của Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Đường cao tốc Trường Đại Quảng Đông và Công ty Hợp tác kỹ thuật kinh tế quốc tế Quảng Châu (CGCD - GIETC) đặt tại thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ). Liên danh này đang thi công gói thầu 15 km đường ô - tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua 2 huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc. Anh Tân, một thợ cắt tóc ở gần công trường làm đường cao tốc cho biết: "Hơn 1 năm nay, người Trung Quốc đến làm việc và ở tại xã. Lúc đầu, nhìn thấy họ chúng tôi cũng tò mò nhưng đến nay đã quen rồi nên chẳng để ý. Trước đây, thỉnh thoảng tôi còn thấy họ ra ngoài mua đồ hoặc vào quán uống nước, mấy tháng gần đây không biết vì lý do gì họ ít đi lại bên ngoài lắm". Theo ông Phạm Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ, cuối năm 2011, nhà thầu Trung Quốc mượn xã gần 41 nghìn m2 đất cấy lúa một vụ bấp bênh để làm trụ sở Ban chỉ huy công trường, tập kết vật liệu, thiết bị. Hiện nay, có 113 người Trung Quốc đang làm việc và cư trú trên địa bàn xã.
Ngoài địa điểm trên, lao động Trung Quốc thi công gói thầu này còn trú ở thôn Trung Sơn, xã Tái Sơn (Tứ Kỳ). Ông Phạm Văn Thông, Trưởng Công an xã Tái Sơn cho biết: "Hơn 1 năm trước, Liên danh nhà thầu CGCD - GIETC thuê đất và nhà của ông Phan Thanh Hùng ở thôn Trung Sơn với tổng diện tích gần 2.000 m2 để làm chỗ ở cho công nhân. Lúc đầu có hơn 50 người Trung Quốc ở đây, nhưng đến nay chỉ còn 19 người Trung Quốc. Tất cả đều có giấy tạm trú".
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện tại có 78 người Trung Quốc đang thi công đường ô - tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có giấy phép lao động. Phần lớn họ làm những công việc như lái máy ủi, san lấp mặt bằng, ép cọc… Như vậy, số lao động được cấp phép nhỏ hơn nhiều so với thực tế, tức là còn một số lượng lớn lao động Trung Quốc thi công đường ô- tô cao tốc chưa có giấy phép lao động.
Công ty CP Thép Hòa Phát có trụ sở tại xã Hiệp Sơn (Kinh Môn) bắt đầu xây dựng từ năm 2008 và đi vào hoạt động cuối năm 2009. Công ty này cũng thuê nhà thầu Trung Quốc. Thượng tá Đỗ Long Vân, Phó Trưởng Công an huyện Kinh Môn cho biết, từ khi hoạt động đến nay, Công ty CP Thép Hòa Phát có 1.217 lượt lao động Trung Quốc đến làm việc, tất cả đều không có giấy phép lao động. Lúc cao điểm, số công nhân Trung Quốc lên tới trên 700 người, chủ yếu làm công việc xây lò. Hiện nay, công ty có 52 lao động Trung Quốc, đều không có giấy phép lao động.
Công an huyện Kinh Môn kiểm tra việc lưu trú của người Trung Quốc
làm việc tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Cường
Sáng 23 - 10, chúng tôi có mặt tại khu sản xuất của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Việt Cường, chi nhánh tại thị trấn Kinh Môn. Mặc dù chưa đầy 10 giờ sáng nhưng lao động Trung Quốc ở đây lại không làm việc. Người đang ngồi chơi, người đi chợ mua đồ. Trò chuyện với những lao động Trung Quốc làm việc ở đây thông qua chị Liên là người phiên dịch kiêm quản lý của công ty, chúng tôi được biết 3 người Trung Quốc đang làm việc ở đây đều là công nhân vận hành máy, cả ba đều không có giấy phép lao động. Riêng ông Mạc Tĩnh Á đã đến làm việc, lưu trú gần 1 tuần, nhưng chưa khai báo tạm trú với chính quyền địa phương.
Ngoài những doanh nghiệp nêu trên, trên địa bàn tỉnh ta còn không ít doanh nghiệp sử dụng lao động Trung Quốc không có giấy phép lao động, trình độ tay nghề thấp. Điển hình như Công ty TNHH Luyện kim Hiệp Sơn (xã Phạm Mệnh, Kinh Môn) có 29 lao động Trung Quốc chưa có giấy phép lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Công ty TNHH Nhôm Đông Á (xã Tân Dân, Chí Linh) có 36 lao động Trung Quốc thì có 25 lao động phổ thông.
Theo đại tá Nguyễn Văn Kiên, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị (Công an tỉnh), tỉnh ta hiện có hơn 650 lao động Trung Quốc đang làm việc trong các doanh nghiệp, nhà hàng, thi công các gói thầu xây dựng, trong đó có khoảng 80% là lao động phổ thông, có trình độ kỹ thuật, tay nghề thấp. Ngoài những người được cấp giấy phép lao động thì ở một số doanh nghiệp vì nhiều lý do, chủ sử dụng lao động Trung Quốc chưa làm hoặc chậm làm thủ tục để đăng ký cấp giấy phép cho lao động.
NHÓM PV CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25-3-2008 quy định người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động, trừ các trường hợp sau: "Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc với thời hạn dưới 3 tháng. Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc để xử lý các trường hợp khẩn cấp như: những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được có thời gian trên 3 tháng thì hết 3 tháng làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký cấp giấy phép lao động theo quy định"...
Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17-6-2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34 quy định: trước khi tuyển lao động là người nước ngoài ít nhất 30 ngày, người sử dụng lao động phải thông báo nhu cầu tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người nước ngoài trên ít nhất 1 số báo trung ương và ít nhất 1 số báo địa phương bằng một trong các hình thức là báo viết, báo nói, báo hình hoặc báo điện tử về các nội dung: số lượng người cần tuyển, vị trí công việc, trình độ chuyên môn, mức lương và các khoản thu nhập khác, điều kiện làm việc và một số nội dung khác nếu người sử dụng lao động yêu cầu... |