Không kiểm soát được việc khai thác cát đen, tỉnh ta sẽ có nguy cơ mất nguồn tài nguyên, nhiều diện tích bãi bồi canh tác bị sạt lở và thất thu thuế.
Một chiếc tàu khai thác cát trái phép trên sông Rạng, thuộc địa bàn xã Lai Vu (Kim Thành).
Ảnh chụp lúc 8 giờ 30 ngày 8-10
Khai thác cát trái phép vẫn diễn raThời điểm hiện nay, khi mùa khô đang đến gần, thị trường xây dựng dân dụng nhộn nhịp hơn, nhu cầu sử dụng cát đen tăng dần thì việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát lòng sông trái phép (KTCLSTP) cần được tăng cường. Nhu cầu cát đen của toàn tỉnh là 10 triệu m3/năm. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2 điểm được phép khai thác vật liệu cát đen. Điểm thứ nhất là mỏ cát Trường Thành - Tứ Xuyên (thuộc 2 huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ) do Công ty TNHH Đồng Anh làm chủ đầu tư. Điểm thứ hai là đoạn sông Kinh Thầy trên địa bàn thị xã Chí Linh từ xã Nhân Huệ đến ngã ba Kèo được nạo vét tận thu cát đen, khơi thông dòng chảy. Đây là dự án WB6 do Cục Quản lý đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) thực hiện. Còn lại các điểm khai thác cát khác đều là trái phép.
Tuy nhiên, trên nhiều tuyến sông trong tỉnh vẫn diễn ra tình trạng KTCLSTP. Ông Nguyễn Văn T. ở xã Minh Tân (Nam Sách) cho biết, trong những tháng qua, tình trạng khai thác cát trên sông Thái Bình đoạn qua xã không rầm rộ nhưng thường xuyên có từ 2 đến 3 tàu, khai thác không theo quy luật. Các tàu này thường xuyên cắm vòi vào chân bãi bồi xã Thái Tân hút cát. Từ đầu năm đến nay, nhiều mẫu ruộng ở đây bị “cát tặc” hút trôi xuống sông, bà con mất đất canh tác không biết kêu ai. Còn ông Phạm Văn M. ở xã Lai Vu (Kim Thành) có đất canh tác cạnh bờ sông bức xúc: “Gia đình tôi có đất trồng dâu cạnh bờ sông Rạng, nay lở gần hết rồi. Hằng ngày có 2 tàu thường xuyên hút ở chân bãi bồi lấy cát bơm lên bãi cát chân cầu Lai Vu. Tôi phản ánh lên xã nhưng chẳng giải quyết được gì nên người dân mất đất chẳng biết kêu ai. Mới cuối tháng trước, lực lượng liên ngành của huyện bắt quả tang 2 tàu, phải nộp phạt vài chục triệu. Nộp phạt rồi, các tàu này vẫn hút cát bình thường, chắc là để “gỡ” tiền phạt?”. Ông Phạm Văn H. ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) cho biết, từ tháng 6, khi báo chí phản ánh mạnh về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình, đoạn qua xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) và xã An Thanh (Tứ Kỳ), việc khai thác cát đã giảm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn thường xuyên có tàu hút cát, thỉnh thoảng lại sục vào sát bãi bồi, người dân phải xua đuổi tàu hút cát mới ra giữa sông. Một số người dân ở TP Hải Dương cho biết, hiện nay đã có một số tàu hút cát khá hiện đại, sức chở tới 1.000 tấn, vừa đi trên sông vừa hút. Trong vòng 10 tiếng đi chậm trên sông là hút đầy tàu, không cần sục vào bãi bồi. Những hình thức hút KTCLSTP rất đa dạng, ngày một tinh vi hơn.
Ông Đỗ Tiến Bậc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh khẳng định, thời gian qua, Ban Chỉ đạo KTCLSTP của tỉnh và một số huyện hoạt động quyết liệt nên tình trạng khai thác cát trái phép giảm nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu hoạt động khai thác trái phép trên các tuyến sông Thái Bình, sông Rạng, sông Kinh Môn… Ban chỉ đạo KTCLSTP các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Nam Sách, Kinh Môn, TP Hải Dương… chỉ đạo lực lượng liên ngành tích cực kiểm tra, đã xử lý hàng chục tàu KTCLSTP. Tới đây, bước vào mùa khô, các ngành chức năng, các huyện, thành phố, thị xã sẽ tiếp tục tăng cường xử lý tình trạng này.
Chấn chỉnh hoạt động bến bãiViệc khai thác cát có liên quan chặt chẽ với hoạt động của hệ thống bến bãi. Các bến bãi là nôi chứa chấp cát khai thác trái phép, nhất là các bến bãi không phép. Theo Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 171 bến bãi vật liệu xây dựng được quy hoạch, trong đó có 95 bến được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng mới chỉ có 36 bến hoàn chỉnh các thủ tục và được UBND tỉnh cấp phép hoạt động, đạt 21%. Việc các bến bãi hoạt động không phép gây khó khăn cho các đơn vị quản lý. Để quản lý tốt hệ thống bến bãi, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát, quy hoạch, làm các thủ tục để cấp phép cho các bến bãi hoạt động, chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 31-12-2013. Đến nay đã quá hạn định hơn 9 tháng nhưng vẫn có tới 79% số bến bãi hoạt động không phép, ngoài ra còn phát sinh thêm 16 bến mới. Các địa phương có nhiều bến bãi hoạt động nhưng mới được cấp phép rất ít là Kinh Môn có 44 bến nhưng mới có 3 bến được cấp phép, Kim Thành 5 trong tổng số 29 bến có phép, Tứ Kỳ 6/25, Thanh Hà 5/22 …
Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các ngành chức năng xử lý các vi phạm về bến bãi và KTCLSTP. Các địa phương đã phát hiện, lập biên bản xử lý 138 vụ vi phạm. Xử phạt 38 tổ chức, cá nhân vi phạm bến bãi, trên 80 phương tiện KTCLSTP. Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, cấp phép, quản lý bến bãi theo đúng quy định, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục để phê duyệt chấp thuận đầu tư, cho thuê đất, cấp phép cho các bến bãi theo quy hoạch; đồng thời, cần xử lý nghiêm các vi phạm đê điều, bến bãi trái phép, KTCLSTP, quản lý nguồn gốc cát đen, cát vàng. Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần xây dựng lực lượng chủ công đủ mạnh, đầu tư phương tiện, trang thiết bị có thể trấn áp các đối tượng khai thác trộm tài nguyên; kiên quyết đình chỉ hoạt động, xóa bỏ các bến bãi ngoài quy hoạch, tổ chức lực lượng cưỡng chế các bến bãi cố tình vi phạm khi cần thiết.
TRẦN TUẤN