Cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phân phối hàng nghìn mặt hàng đang được lưu thông trên thị trường, trong đó có khoảng 40% là thực phẩm chức năng…
Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối 3.781 mẫu, đã có 1.830 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 48%). Điển hình như thực phẩm chức năng Comple Biol Joints của Công ty CP Thế giới khoa học và tự nhiên ở TP Hồ Chí Minh nhập khẩu về có xuất xứ từ Mỹ, công bố hàm lượng Gluco Samin là 250mg/viên nhưng thực tế kiểm nghiệm chỉ 214mg/viên. Hàm lượng vitamin D3 nhà nhập khẩu công bố 950UV/viên, thực tế kiểm tra chỉ có 6UV/viên và 2 loại sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ và Nhật Bản như: Genki 6, Genki 9 - Kings Secrets quảng cáo hoạt chất chính là sâm Gingseng Noisole nhưng kết quả kiểm tra thì không phát hiện được các hoạt chất này trong sản phẩm. Hoặc sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước như: Siro HP bổ sung vitamin B1, vitamin D… đang bán với giá 95 nghìn đồng/chai, nhưng kiểm tra thực tế giá gốc chỉ có 10 nghìn đồng/chai.
Theo tôi, hiện có hàng nghìn mặt hàng thực phẩm chức năng gồm cả sản phẩm được sản xuất trong và ngoài nước đang trôi nổi trên thị trường. Chất lượng, công dụng và giá cả đều do các nhà sản xuất, kinh doanh hay nhập khẩu tự quyết định, tự quảng cáo, rồi thổi phồng chất lượng, công dụng. Người tiêu dùng rất hoang mang không biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, đâu là giá cả hợp lý.
Để thực phẩm chức năng thực sự góp phần vào việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đề nghị các đơn vị liên quan cần tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi gian dối, giả mạo, quảng cáo thổi phồng chất lượng, công dụng của sản phẩm để người tiêu dùng tránh được tiền mất, tật mang.
BÙI VĂN ĐIỀU(TP Hải Dương)